BỆNH VIỆN ĐA KHOA MỘC CHÂU - 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VÌ SỰ NGHIỆP CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, để nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh và thực hiện đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã hội mới, trên vùng đất cao nguyên Mộc Châu, được sự quan tâm của Ủy ban hành chính khu, Bệnh xá của Châu Mộc Châu được thành lập vào tháng 2 năm 1956 theo kế hoạch số 567-ZY2/KH, ngày 2/11/1955 của Sở Y tế Khu tự trị Thái Mèo.

Các đồng chí trong Ban Giám đốc Bệnh viện khám cho bệnh nhân mắc hội chứng viêm đa rễ

dây thần kinh bị suy hô hấp phải thở máy, tại Khoa Hồi sức cấp cứu tháng thứ 5 (năm 2016).

Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời, phát triển và trưởng thành của Bệnh viện đa khoa Mộc Châu. 60 năm qua tập thể cán bộ, viên chức, nhân viên Bệnh viên đa khoa huyện Mộc Châu đã vượt qua khó khăn gian khổ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, kế thừa nền y học dân tộc, tiếp thu thành tựu của y học hiện đại, không ngừng thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn. Sự hình thành, phát triển và trưởng thành của Bệnh viện đa khoa Mộc Châu hiện nay được đánh dấu qua từng giai đoạn rất đáng tự hào.

Ngày đầu thành lập năm 1956, Bệnh xá chỉ với 10 giường bệnh, cơ sở vật chất là 1 nhà tranh vách đất có 7 phòng vừa làm việc, vừa làm phòng điều trị cho bệnh nhân, số cán bộ y tế gồm 8 đồng chí, trong đó có 6 cán bộ chuyên môn, do y sĩ Lê Như Xuân làm Bệnh xá trưởng. Bệnh xá được đặt tại bản Nà Bó xã Mường Sang, trong thời gian này Y tế Mộc Châu đã được vinh dự đón Bộ trưởng Y tế đầu tiên của nước ta bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến thăm và động viên. Từ năm 1959-1962 số giường bệnh và số cán bộ y tế được tăng lên với 20 giường bệnh và 12 cán bộ y tế do y sĩ Nguyễn Đình Thiện phụ trách.        

Năm 1962 Bệnh xá Mộc Châu được tiếp nhận một số cán bộ của Bệnh xá Sư đoàn 335 chuyển thành Phòng Y tế Mộc Châu do bác sĩ Nguyễn Đăng Lung làm trưởng phòng kiêm Viện trưởng. Khi đó Phòng Y tế gồm 3 bộ phận hoạt động: Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh; Trạm Vệ sinh phòng dịch thực hiện nhiệm vụ phòng dịch và Hiệu thuốc. Bệnh viện huyện đã được xây dựng nhà cấp 4 với 50 giường bệnh, đã có các khoa và liên khoa như: nội nhi, ngoại sản và một số khoa lẻ như RHM, TMH, đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng và chất lượng, gồm 40 cán bộ công nhân viên, trong đó có 3 bác sĩ: BS Đào Bá Dũng, BS Nguyễn Đình Khôi và BS Trưởng phòng Y tế Nguyễn Đăng Lung. Đầu năm 1965, thực hiện Chỉ thị số 66, ngày 13/2/1965 của Tỉnh ủy Sơn La về tăng cường công tác phòng không nhân dân, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Mộc Châu, cùng với các ngành khác, Bệnh viện Mộc châu đã chuyển sang hoạt động thời chiến, Bệnh viện được di chuyển sơ tản vào làm việc tại khu vực hang Bó píp. Cuối năm 1967 cả 3 bác sỹ: Nguyễn Đăng Lung, Đào Bá Dũng, Nguyễn Đình Khôi chuyển lên Bệnh viện tỉnh nhận công tác. Từ năm 1968, Trưởng phòng Y tế, kiêm Bệnh viện trưởng do BS Đoàn Kham đảm nhiệm. Từ năm 1970 đến năm 1974 do Bs: Phùng Đình Vượng và BS Trịnh Anh Thư làm trưởng Phòng Y tế. Các phó trưởng phòng kiêm phó Bệnh viện trưởng là: Y sỹ Vũ Ngọc Giao; Y sỹ Hà Thị Lan; Y sỹ Sa Thị Lan; Bs Phùng Đình Vượng. Năm 1970, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ kết thúc, Bệnh viện lại tiếp tục trở về làm việc tại vị trí hiện nay cho đến bây giờ. Khi đó, qui mô bệnh viện vẫn tiếp tục được duy trì với 50 giường, 40 cán bộ trong đó có 3 Bác sỹ; gồm các khoa Nội-Nhi-Lây, khoa Ngoại chung và bộ phận Dược.

Kíp phẫu thuật của Bệnh viện thực hiện ca mổ chỉnh hình sẹo dính gấp ngón tay cho bệnh nhi di chứng bỏng.

Giai đoạn lịch sử 1956 - 1975 là một chặng đường đầy khó khăn phức tạp, nhưng rất sôi động của Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, là giai đoạn mới thành lập từ một Bệnh xá, được trưởng thành nâng cấp thành bệnh viện chăm lo sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong huyện và Bộ đội để có sức khỏe tăng cường sản xuất đảm bảo đời sống, làm tròn nghĩa vụ với tiền tuyến lớn miền Nam và nhiệm vụ quốc tế, lại vừa trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất rất nghèo nàn, phòng mổ là hang đá, dựng lán mái tranh giáp sườn núi làm phòng điều trị, phòng thủ thuật... trang thiết bị y tế thô sơ cũng như lực lượng cán bộ còn rất mỏng, đồng thời phải làm việc trong điều kiện chiến tranh, nhưng tập thể cán bộ ngành Y tế Mộc Châu với nhiều tấm gương điển hình, như các BS. Nguyễn Đăng Lung, BS. Đoàn Kham, BS. Trịnh Anh Thư,  Bs. Phùng Đình Vượng, YS. Hà Thị Lan, YS. Sa Thị Lan, BS. Đào Bá Dũng, BS. Nguyễn Đình Khôi, BS. Cao Cường, BS. Nguyễn Thọ, Y sĩ Vũ Ngọc Giao… cùng tập thể cán bộ nhân viên ngành Y tế từ các hộ lý, y tá, kỹ thuật viên đến bác sĩ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thật thà, đoàn kết, chăm sóc người bệnh tận tình, coi người bệnh đau đớn như người thân của mình đau đớn...”, túc trực chăm sóc người bệnh không quản ngày đêm. Cứu chữa nhiều ca bệnh hiểm nghèo thoát khỏi bàn tay tử thần trong điều kiện chiến tranh, phải làm việc trong hang tối dưới ánh đèn măng sông mà những ca mổ an toàn cho nhiều bệnh nhân vẫn được thực hiện trong một đêm, các Thầy thuốc đã thực sự góp phần “Xây dựng một nền Y học của ta" theo đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu, xây dựng ngành Y tế Mộc Châu toàn diện, kết hợp tốt phòng bệnh và chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc" kết hợp Quân-Dân y...

Trong thời kỳ chiến tranh, đời sống của nhân dân còn vô vàn khó khăn, nhưng công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng đã có nhiều tiến bộ... năm 1966, bệnh viện được lập thêm 2 phân viện quốc lập ở hai khu vực xã Kiến Thiết (hiện nay là khu vực xã Lóng luông, huyện Vân Hồ) và Chiềng Tương (thuộc huyện Yên Châu hiện nay)... Đồng thời ở các địa bàn còn tổ chức được các tổ cấp cứu phòng không, phòng hóa, sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Công tác phòng bệnh và chữa bệnh cũng được nâng cao về chất lượng, hàng năm đã tiến hành tiêm chủng phòng bệnh cho hàng nghìn lượt người, điều trị khỏi bệnh cho hàng trăm lượt người... (Lịch sử Đảng bộ Huyện Mộc Châu, tập 1, 1945-2000, trang 182). Ngay từ những năm 1970, Mộc Châu đã cùng cả nước thanh toán được bệnh Đậu mùa, khống chế được các bệnh lây truyền như: Sốt rét, Bại liệt, Sởi, Thương hàn... phong trào 3 sạch, 4 diệt thực hiện tốt, luôn luôn đi sâu đi sát cơ sở, gắn liền cơ sở, bám sát dân để thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh, tuyên truyền nâng cao hiểu biết để phòng bệnh, chữa bệnh bài trừ hủ tục lạc hậu, được Ty Y tế Sơn La ghi nhận và đánh giá cao.

Những thành tích và kết quả mà Bệnh viện Mộc Châu đã đạt được là tiền đề quan trọng để Bệnh viện cùng với ngành y tế và nhân dân các dân tộc Mộc Châu tiếp tục tiến lên trong giai đoạn cách mạng mới. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, từ năm 1975, cùng với nhân dân tỉnh Sơn La và cả nước, nhân dân các dân tộc Mộc Châu phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, xây dựng cuộc sống mới. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc, song cũng như bao địa phương khác, hậu quả chiến tranh còn để lại rất nặng nề. Do đó, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng đã gặp nhiều khó khăn, thách thức tình hình dịch bệnh liên tiếp xảy ra, tỷ lệ nhân dân mắc dịch rất cao, nhất dịch sốt rét chiếm khoảng 15% dân số trong huyện; bệnh bướu cổ khoảng 38% dân số, bệnh tiêu chảy, bệnh cúm cũng liên tục xảy ra, có năm mắc tới 3-4 nghìn người. Số người chết do mắc bệnh cũng rất cao, có năm chết tới 130 người trong toàn huyện, có xã 30-40 người. Bệnh viện huyện liên tục quá tải bệnh nhân điều trị.       

Khắc phục những khó khăn, để bảo vệ sức khỏe người dân, Ban Giám đốc Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về công tác phòng chống dịch từ xa và chỉ đạo tuyến. Trước hết là công tác phòng chống dịch ngay trong bệnh viện: Tổ chức tổng vệ sinh, cách ly bệnh nhân chống lây chéo trong bệnh viện, phun hóa chất diệt khuẩn, bảo đảm chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng theo bệnh lý. Hằng ngày, làm tốt công tác vệ sinh nội phòng, ngoại phòng. Ban Giám đốc chỉ đạo các phòng chuyên môn động viên cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên làm tốt công việc giao để yên lòng người bệnh. Đồng thời triển khai công tác phòng dịch xuống cơ sở, hằng năm phân công cán bộ, y, bác sĩ  bệnh viện đến các xã trực tiếp làm công tác phòng chống dịch và chỉ đạo tuyến, phân vùng dịch, tập trung bệnh nhân tại vùng dịch, tổ chức điều trị, phun hóa chất diệt khuẩn, tuyên truyền công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, vận động nhân dân không đi vào vùng dịch, ăn chín, uống sôi, ăn sạch, ở sạch, đêm ngủ phải mắc màn, lấy công tác phòng bệnh là chính, từ đó công tác y tế dần được xã hội hóa, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh được giảm, số vụ dịch giảm, chương trình này được duy trì liên tục kéo dài trong nhiều năm.         

Trong suốt 10 năm, từ 1976 đến 1985, cũng như bao địa phương khác phải khắc phục hậu quả chiến tranh, nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp nên đời sống của nhân dân rất khó khăn. Tuy nhiên Bệnh viện huyện cũng đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, như: Nhà khoa Dược, phòng khám bệnh được xây vào năm 1981;  Nhà khoa nội 14 phòng, phòng mổ được xây dựng năm 1984 - 1985 (Nhà cấp IV), các khoa điều trị cũng được bổ sung, số giường bệnh và cán bộ y tế tăng dần qua các năm: Năm 1976 có 50 giường, 45 cán bộ;  1980 có 70 giường, 67 cán bộ; 1985 có 110 giường, 95 cán bộ với 7 khoa, phòng là: Phòng tổ chức tài vụ, phòng kế hoạch, khoa Nội - Lây - Đông y, khoa Ngoại - Sản, khoa khám bệnh, khoa dược và khoa Cận lâm sàng. Ban lãnh đạo Bệnh viện của giai đoạn 1976 - 1985 được giao cho các đồng chí: Từ năm 1974 - 1978, Bệnh viện trưởng do Ys Vũ Ngọc Giao đảm nhiệm; Từ năm 1978 - 1983, Bs Lò Văn Si làm Giám đốc; Từ năm 1983 - 1985 do Ys Nguyễn Kim Hoàn làm Quyền Giám đốc; các Phó giám đốc: bà Sa Thị Lan, bà hà Thị Lan, ông Vũ Xuân Nghị, ông Đinh Công Quân và ông Vì Văn Sung.

Trải qua 10 năm, cùng với nhân dân các dân tộc trong toàn huyện và cả nước tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (1976 - 1985), tập thể cán bộ công nhân viên chức Bệnh viện đa khoa Mộc châu đã phấn đấu không mệt mỏi với ý chí và quyết tâm xây dựng Bệnh viện ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân huyện, Chi bộ và mọi cán bộ nhân viên Bệnh viện đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tìm tòi, tự lực, cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn hòan thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thành tích đạt được đã tạo nền tảng vững chắc để Bệnh viện cùng với nhân dân trong huyện bước sang giai đoạn cách mạng mới: thời kỳ đổi mới toàn diện của đất nước.

Giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp bước đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường với nền kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Sự thay đổi đó đã có nhiều yếu tố khách quan tác động đến ngành Y tế nói chung, Y tế Mộc Châu nói riêng, nhất là Y tế xã xuống cấp nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn chất lượng phục vụ. Trong giai đoạn này ngành Y tế Mộc Châu nói chung, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu nói riêng gặp rất nhiều khó khăn: Dịch bệnh, nhất là dịch sốt rét hoành hành, hàng nghìn người mắc, hàng trăm người chết do sốt rét. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, trong đó có vai trò quan trọng của bệnh viện, mà điển hình như BS. Ngô Trọng Thắng, Quyền Giám đốc 1985 - 1987, Giám đốc 1987 - 1989; Ys Nguyễn Kim Hoàn, Giám đốc 1989 - 1993, cùng các Phó giám đốc: BS. Lường Minh Thít, BS Tường Duy Thụ, Bs Đinh Công Quân, Ys Lường Văn E, Bs Trần Văn Thắng… và tập thể CBCNV đã chủ động triển khai kế hoạch chống dịch, vượt qua gian nan, không lùi bước trước mọi khó khăn, sẵn sàng như những "chiến sĩ áo trắng" xông pha vào tận vùng dịch, lăn lộn cả ngày lẫn đêm, phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế dự phòng, cán bộ của Viện Sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để cứu chữa bệnh nhân, từng bước khống chế và dập tắt dịch sốt rét, giảm số người tử vong do sốt rét; mở rộng triển khai thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.   

Năm 1992, thực hiện quyết định 407/QĐ-UB ngày 12/12/1991 của UBND tỉnh Sơn La, Phòng Y tế huyện Mộc Châu được chuyển đổi thành Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu với sự sáp nhập của Phòng Y tế, Bệnh Viện huyện, Đội PCSR và đội SĐKH. Trung tâm Y tế Mộc Châu tiếp tục ghi thêm nhiều thành tích vào trang sử truyền thống toàn ngành trong thời kỳ đổi mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị được nâng cấp, xây dựng, số gường được giao là 130 giường, bao gồm cả 2 Phòng khám đa khoa khu vực là: Tô Múa và Chiềng Sơn. Cán bộ được bổ sung về số lượng và nâng lên về chất lượng. Năm 1996, Trung tâm Y tế đã được Bộ Y tế tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc trong công tác điều trị.  Từ 1993 - 1997, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) kiêm Giám đốc Bệnh viện là Bs Lường Minh Thít; các Phó giám đốc là Bs Ngô Trọng Thịnh, Bs Trần Văn Thắng, Ys Nguyễn Duy Sỹ.  Năm 1997 - 1998 Quyền giám đốc: Nguyễn Duy Sỹ.  Năm 1998 - 1999 Giám đốc: Bs. Ngô Trọng Thịnh. Năm 1999 - 2002, Giám đốc Bs: Trần Văn Thắng; các Phó Giám đốc: Bs Nguyễn Văn Nhâm, Ys Nguyễn Duy Sỹ, Bs Nguyễn Trung Khải. Năm 2002 - 2005, Giám đốc: Bs Nguyễn Tiến Văn; các Phó giám đốc: Bs Nguyễn Văn Nhâm, Ys Nguyễn Duy Sỹ, Bs Nguyễn Trung Khải, Bs Lường Thị Hiền.    

      

Năm 2005, thực hiện Nghị định 171, 172 của Chính phủ, Quyết định số 112/2005/QĐ-UBND tỉnh Sơn La về việc thành lập các đơn vị y tế tuyến huyện. Tháng 6 năm 2006, Trung tâm y tế huyện Mộc Châu được chia tách thành 2 đơn vị y tế huyện, gồm: Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế Dự phòng huỵện, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên sâu và cơ bản hơn, tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Bệnh viện đa khoa huyện Mộc châu được tái thành lập theo quyết định 4108/QĐ - UBND ngày 19/12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La. Từ 2005 đến năm 2014, Giám đốc bệnh viện là Bs Nguyễn Trung Khải; các Phó giám đốc: Bs Lê Văn Thành (tháng 6-2006 được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mộc Châu). Bs Lường Thị Hiền (tháng 7-2010 được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Y tế Mộc Châu); Bs Vi Hồng Kỳ; Bs Khuất Thanh Bình; Bs Nguyễn Tiến Sơn.       

Giai đoạn này, bệnh viện có bước phát triển vượt bậc, công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh được chú trọng. Đặc biệt đã triển khai được nhiều kỹ thuật tiên tiến mới trong chẩn đoán và điều trị có hiệu quả như: Về cận lâm sàng ứng dụng Siêu âm trong chẩn đoán dây rau quấn cổ thai nhi, Xét nghiệm Amylase máu, Xét nghiệm Triglycerid máu, Xét nghiệm Bilirubin toàn phần máu, Xét nghiệm Bilirubin trực tiếp máu, Xét nghiệm Calci máu, Xét nghiệm Ka li máu, chụp X quang cắt lớp (CTScanner)... Về Lâm sàng: Phẫu thuật vá da mỏng, Phẫu thuật gãy xương hở bằng khung cố định FESSA, Phẫu thuật vỡ vật hang, Phẫu thuật tạo hình niệu đạo, Phẫu Thuật nội soi mũi xoang, Phẫu thuật gẫy xương bằng nẹp vít, Phẫu thuật lồng ngực, Gây tê thân thần kinh đùi trong phẫu thuật, phẫu thuật sơ hoá cơ đen ta... từ tháng 9 năm 2013, triển khai phẫu thuật nội soi ổ bụng; ứng dụng CNTT trong quản lý và hoạt động chuyên môn bước đầu thành công . Công tác chữa bệnh bằng Y học cổ truyền dân tộc hết hợp với y học hiện đại được chú trọng, có Bác sỹ sau đại học chuyên ngành y học cổ truyền, xây dựng vườn thuốc nam mẫu tại bệnh viện;  công tác kết hợp quân dân y cũng được củng cố. Công tác chỉ đạo tuyến, triển khai thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế. Bệnh viện đã cử luân phiên nhiều lượt cán bộ chuyên môn tới các trạm xá chỉ đạo, chuyển giao các kỹ thuật dịch vu y tế cho Trạm xá xã và Phòng khám khu vực; tư vấn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân; tuyên truyền phòng bệnh trên hệ thống truyền thanh tại bệnh viện; tăng cường phối hợp với y tế dự phòng trong công tác phòng chống dịch. Điển hình như: Giai đoạn 1991 - 1993 Dịch Sốt rét hoành hành tại Mộc Châu nhất là các xã Xuân Nha, Chiềng Sơn... Năm 2004 và 2009 dịch SARS và dịch cúm týp AH1N1 bùng phát, cùng với cán bộ Y tế và nhân dân cả nước, tỉnh Sơn La, cán bộ nhân viên BVĐK Mộc Châu đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn kịp thời, không để dịch xảy ra trên diện rộng ở địa bàn huyện. Công tác hợp tác trong nước và quốc tế cũng luôn được quan tâm. Bệnh viện đã được các bệnh viện và đơn vị y tế tuyến trên đỡ đầu, từ năm 1996 được Văn phòng Bộ y tế quan tâm chỉ đạo giúp đỡ; năm 2006 được sự tài trợ của tổ chức GAVI do trực tiếp Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai đào tạo lớp Y tế thôn bản; năm 2006 Bệnh viên đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã cử đoàn cán bộ về tận Bệnh viện Mộc châu trực tiếp thực hiện và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật Xơ hóa cơ Delta. Đặc biệt là hằng năm, bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cấp cứu cho hàng trăm lượt bệnh nhân là người dân huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).     

 

Từ 2011 đến nay, tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cấp trở thành bệnh viện hạng II vào năm 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Mộc Châu, sự lãnh đạo toàn diện của Sở Y tế Sơn La; sự phối kết hợp của các Ban, ngành, đoàn thể trong huyện, các đơn vị y tế trong huyện, cùng với sự cố gắng phát huy nội lực và tiềm năng sẵn có, trong 5 năm qua từ 2011-2015 Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu đã đạt được những kết quả hết sức cơ bản và toàn diện. Hiện nay tổ chức bộ máy Bệnh viện, gồm: Giám đốc BsCKII Vi Hồng Kỳ; các phó giám đốc: BsCKI Khuất Thanh Bình, DSCKI Hoàng Tiến Bình, Thạc sĩ Vũ Giang An. Bệnh viện có 4 phòng chức năng và 14 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Tổng số cán bộ viên chức có 157 người, trong đó viên chức chính thức là 141 người; hợp đồng ngoài biên chế là 16 người. Trình độ của cán bộ viên chức: Đại học có 55 đ/c, trong đó sau đại học 12 đ/c; cao đẳng 02 đ/c, trung cấp 87 đ/c;  sơ học 4 đ/c, trình độ khác 9đ/c. Tổng số150 giường bệnh; số giường bệnh thực kê 325 giường. 

Cơ sở vật chất của Bệnh viện tiếp tục được đầu tư, hiện Bệnh viện có một khuôn viên trụ sở làm việc với diện tích khoảng 2800m2, trong đó diện tích xây dựng là 2200m2, đó là khu nhà A 2 tầng xây dựng kiên cố với 1 hội trường lớn và khu khám bệnh, thanh toán viện phí, khu làm việc của Ban Giám đốc và các phòng chức năng, giúp việc Ban Giám đốc; khu nhà kỹ thuật, khu nhà  B1, B2, C1, C2, Khoa Dược, khoa Dinh dưỡng mới liên hoàn các khoa phòng và một số hạng mục đang được nâng cấp xây mới bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (dự án cải tạo nâng cấp Bệnh viện tuyến huyện); trang thiết bị được tăng cường đầu tư bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị và bằng nguồn xã hội hóa, đầu tư thiết bị y tế hiện đại đã cơ bản đáp ứng đủ điều kiện phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện.

Công tác quản lý và điều hành có nhiều đổi mới về phương pháp và nội dung như: đẩy mạnh công tác đào tạo, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý mọi hoạt động của bệnh viện... Nổi bật là Công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ được chú trọng từ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận, quản lý, tin học, ngoại ngữ cho CBVC. Kết quả, trong 5 năm qua đã đào tạo được thêm 4 Thạc sĩ các chuyên ngành và 1 Bác sĩ CK2, 2 bác sĩ chuyên khoa cấp I; 5 Bs chuyên khoa định hướng, 19 đại học các chuyên ngành; 3 Cao cấp lý luận, 3 trung cấp lý luận và nhiều lượt cán bộ được đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về công tác chuyên môn, quản lý bệnh viện, ngoại ngữ, tin học... Bệnh viện đã xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo cán bộ từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị; tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật mới từ tuyến trên và xuống tuyến dưới theo đề án 1816; thực hiện việc hướng dẫn thực tập tốt nghiệp cho học sinh các trường Cao đẳng, Trung cấp Y-Dược trong và ngoài tỉnh, với số lượng mỗi năm trên 150 lượt học sinh. Tiếp nhận, đào tạo, hướng dẫn học viên để cấp chứng chỉ hành nghề cho hơn 50 lượt học viên/năm. Theo đó, năm 2013 đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện, triển khai hệ thống mạng thông tin nội bộ, kết nối Internet đến tất cả các khoa/phòng, các phân hệ phần mềm quản lý khám chữa bệnh, quản lý dược, trang thiết bị, quản lý tài chính, nhân lực, quản lý văn bản... đã đảm bảo tính khoa học, chính xác, rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, thời gian chờ kết quả xét nghiệm, siêu âm, Xquang...; lắp đặt hệ thống Camera giám sát toàn bộ các khoa/phòng; thành lập trang Wedsite cập nhật thông tin thường xuyên, kết nối với Sở Y tế và UBND huyện; xây dựng khẩu hiệu thương mại của Bệnh viện (Slogan) phù hợp; Ứng dụng ISO trong quản lý nâng cao chất lượng Bệnh viện...

Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân không ngừng được cải tiến, nâng cao, kết quả hàng năm luôn vượt từ 10-15% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao, đặc biệt là từ năm 2013, đã triển khai phẫu thuật Nội soi ổ bụng, tính đến nay đã có > 500 ca thành công và là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai kỹ thuật  này, triển khai kỹ thuật siêu âm tim, mạch máu và nhiều kỹ thuật khác; cấp cứu thành công hàng nghìn bệnh nhân nặng, hiểm nghèo như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, ngộ độc các loại, Schok mất máu do chấn thương vỡ tạng, gẫy xương phức tạp..., vết thương rách màng ngoài tim, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm, cắt khối chửa ngoài tử cung, cắt sỏi túi mật, lấy sỏi niệu quản (trong ứ dịch thận vì sỏi do dị dạng niệu quản); PT nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, PT thay khớp háng toàn phần thông qua việc nhận chuyển giao kỹ thuật của BV Việt Đức và Bệnh viện 103...; sản khoa: năm 2015 với sự hỗ trợ của bệnh viện phụ sản TW trong đề án 1816 bệnh viện đã triển khai điều trị hỗ trợ vô sinh bằng kỹ thuật IUI bệnh viện đã được phòng chỉ đạo tuyến đến khảo sát và đánh giá hiệu quả của đề án 1816, triển khai ứng dụng phương pháp giảm đau trong đẻ; lĩnh vực YHCT-PHCN như: kéo giãn cột sống, điện châm, điện xung, đắp Parapin trong điều trị phục hồi chức năng bệnh xương, khớp, thần kinh mãn tính; xét nghiệm Huyết học, Sinh hóa cơ bản, miễn dịch tự động triển khai kết nối phần mềm với hệ thống máy xét nghiệm. Kết quả từ 2011-2015 đã khám cho 198.206 lượt bệnh nhân; điều trị Nội trú là 44.785 người; số ngày điều trị Nội là trú 284.428 ngày; công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 139%/năm.

Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, triển khai ứng dụng được nhiều kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả, phong trào say mê NCKH ngày càng sâu, rộng có chất lượng. Kết quả, trong 5 năm qua, đã có 35 đề tài khoa học được công nhận đạt cấp cơ sở, số lượng các đề tài được thể hiện trên tất cả lĩnh vực chuyên môn và quản lý, các đề tài đã được áp dụng thực tế đạt hiệu quả; triển khai áp dụng có hiệu quả  >60 kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng, tạo điều kiện cho người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại ngay tại tuyến cơ sở, giảm chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt tiết kiệm chi phí đáng kể cho người bệnh. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến chuyên môn, hỗ trợ các trạm y tế về công tác sơ, cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường và xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 được 10 xã. Đồng thời chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện (vệ sinh nội ngoại cảnh, xử lý chất thải bệnh viện trong điều kiện của đơn vị); đảm bảo hệ thống giặt là, hấp sấy tập trung y dụng cụ phục vụ khám chữa bệnh (phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc người bệnh), kết quả trong 5 năm qua, tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ đã được giảm dần qua các năm, môi trường bệnh viện từng bước được khắc phục.

Công tác hợp tác quốc tế được thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ KCB cho người nghèo và theo Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 của UBND tỉnh Sơn La: Hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền cùng chi trả, tiền vận chuyển cho 100% lượt bệnh nhân nghèo được đảm bảo đúng quy định. Thành lập đơn nguyên sơ sinh điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh và áp dụng phương pháp đèn chiếu vàng da, thở CPAP trong cấp cứu trẻ sơ sinh suy hô hấp do Tổ chức Đông -Tây hội ngộ tài trợ. Tiếp nhận cấp cứu, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân vùng giáp biên giới Việt - Lào thuộc huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Nước CHDCND Lào.

Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể luôn được đẩy mạnh. Từ ngày thành lập mới có 03 đảng viên, đến nay Đảng bộ có 4 chi bộ trực thuộc, 41 đảng viên. Đảng bộ Bệnh viện luôn quan tâm lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý bệnh viện cho cán bộ quản lý, lãnh đạo và đảng viên; thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt quy tắc giao tiếp ứng xử trong Bệnh viện, nâng cao y đức, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc vận động cán bộ, đoàn viên thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, rèn luyện y đức, lao động sáng tạo, chăm lo đời sống cho đoàn viên. Lãnh đạo và chỉ đạo tốt các hoạt động của tổ chức Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội điều dưỡng. Công đoàn, Chi đoàn và các đoàn thể phối hợp phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thành lập Câu lạc bộ “Hiến máu tình nguyện”; tham gia nhiều cuộc thi viết, hội thi do Ngành, huyện và đơn vị phát động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, huyện và của Ngành. Nổi bật là phong trào thi đua thực hiện tốt 12 điều Y đức, thực hiện Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được tổ chức thường xuyên gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện tốt Nghị quyết TW4 khóa XI về công tác xây dựng Đảng. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng các loại quỹ Vì người nghèo, Quỹ phòng chống thiên tai thảm họa, Quỹ hỗ trợ người tàn tật và trẻ mồ côi; ủng hộ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, nhiệm kỳ 2005 - 2010 được Tỉnh ủy Sơn La tặng cờ "Đảng bộ trong sạch vững mạnh 5 năm liên tục 2005 - 2009"; Nhiệm kỳ 2011-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng Bằng khen là Đảng bộ đạt tiêu chuẩn TSVM tiêu biểu 3 năm liền 2010-2012. Công đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu liên tục từ năm 2004-2008 được Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La bình chọn và trao Cờ đơn vị dẫn đầu khối sự nghiệp trong toàn tỉnh; năm 2009, Công đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2011, 2013 được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối các công đoàn cơ sở trong tỉnh; 5 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt nam tặng Bằng khen; 4 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo; 1 cá nhân đạt Giải nhì, 2 giải khuyến khích Hội thi “ Sáng tạo khoa học cấp tỉnh” lần thứ nhất và lần thứ II;  LĐLĐ tỉnh Sơn La tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

Ghi nhận những thành tích đạt được, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2011 Bộ Y tế công nhận “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”; năm 2013 Bệnh viện được Bộ Y tế tặng Cờ thi đua đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khám chữa bệnh; năm 2015 UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu ngành Y tế Sơn La; Hàng trăm lượt cán bộ, viên chức được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương "Vì sự nghịêp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân"; Hàng nghìn lượt cán bộ viên chức đạt danh hiệu lao động  tiên tiến, lao động giỏi, chiến sỹ thi đua các cấp.

Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa hạng II có cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý đạt trình độ cao trong khu vực. Quy mô gường bệnh đến năm 2020 là 250-300 giường. Tiếp tục hoàn thiện nâng cấp xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNTT toàn diện, hiện đại hóa bệnh viện ngang tầm trong khu vực. Thực hiện nghiêm quy trình, quy chế chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng Bệnh viện, phấn đấu tăng tỷ lệ khám bệnh từ 10-15% so với năm trước; tăng công suất sử dụng giường bệnh; tăng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác chăm sóc người bệnh toàn diện theo Thông tư 07/2008/TT-BYT của Bộ Y tế. Từng bước thực hiện tốt quy trình xử lý chất thải bệnh viện. Thực hiện có hiệu quả điều trị phối kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền - phục hồi chức năng cho người bệnh. Thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân trong khám chữa bệnh. Tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử theo Thông tư số 07/2014/TT-BYT và 12 Điều Quy định Y đức của nhân viên y tế. Phối kết hợp với Trung tâm y tế huyện trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành, đào tạo lý luận, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp khoa/phòng trở lên, phấn đấu hàng năm có tỷ lệ đào tạo các loại hình đạt 20%/toàn thể CBVC. Duy trì và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Phấn đấu mỗi năm có từ 8-10 đề tài khoa học cấp cơ sở đều khắp các chuyên ngành; 5-7 kỹ thuật mới được triển khai hiệu quả. Tăng cường hoạt động của Hội đồng khoa học trong việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới phù hợp cũng như việc mua sắm trang thiết bị y tế đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phụ chuyên môn cao. Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế quản lý Tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu; Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế Tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp Y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; chuẩn bị các điều kiện hướng tới cơ chế tự chủ hoàn toàn trong thu -chi tài chính của Bệnh viện theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

Phần thưởng cao quý Huân Chương Lao động Hạng Nhì, được Đảng và Nhà nước trao tặng đúng dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập là niềm cổ vũ động viên to lớn để CBVC Bệnh viện đa khoa Mộc Châu tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ thầy thuốc trên quê hương “Mộc Châu Anh hùng”, đoàn kết, năng động, sáng tạo quyết tâm xây dựng Bệnh viện ngày một trưởng thành và phát triển, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng bộ, Chính quyền và lòng tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn./.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Tân binh trên thao trường

    Tân binh trên thao trường

    QP - AN - ĐN -
    Sau hơn 1 tháng nhập ngũ, các tân binh tại Tiểu đoàn I, Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh chững chạc hơn so với ngày đầu nhập ngũ. Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng như kỷ luật quân đội được thực hiện nền nếp, chính quy hơn.
  • 'Phê phán thói vô cảm, “vì dân suông” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

    Phê phán thói vô cảm, “vì dân suông” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

    Một trong những biểu hiện suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là: “Không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân”; “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
  • 'Triệu trái tim cùng hướng về đất Tổ

    Triệu trái tim cùng hướng về đất Tổ

    Văn hoá - Xã hội -
    Nước Việt Nam ta có một di tích lịch sử được các nhà sử học đánh giá là “siêu di tích” - đền thờ 18 đời Vua Hùng, nằm ở vùng đất trung du Phú Thọ - “đất Tổ” của trăm họ dân Việt trên khắp thế giới. Mồng Mười tháng Ba âm lịch, nếu không thể trực tiếp hành hương thắp nhang cúng Tổ thì người Việt Nam mọi miền cùng hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì) bái vọng chốn linh thiêng, đó là nơi khởi đầu cho sự mở mang một quốc gia có hàng nghìn năm văn hiến…
  • 'Xây dựng nông thôn mới thông minh

    Xây dựng nông thôn mới thông minh

    Chuyển đổi số -
    Duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
  • 'Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng

    Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng

    VẤN ĐỀ HÔM NAY -
    Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, nhận thức của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng được nâng lên. Vai trò của đội ngũ báo cáo viên được phát huy, hoạt động đi vào nền nếp, luôn bám sát cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác tuyên truyền miệng, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • '“Dân vận khéo” ở Ban CHQS Mường La

    “Dân vận khéo” ở Ban CHQS Mường La

    Xây dựng Đảng -
    Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Ban CHQS huyện Mường La tích cực triển khai các hoạt động dân vận giúp nhân dân, tạo mối quan hệ gắn bó, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
  • 'Đảm bảo an ninh kinh tế phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

    Đảm bảo an ninh kinh tế phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

    An ninh trật tự -
    Với phương châm: “An ninh chủ động”, “Phát triển phải đi đôi với bảo vệ kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia”, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh luôn chủ động phát hiện những bất cập, sơ hở, kịp thời tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Giám đốc Công an tỉnh các biện pháp giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế tại địa phương.
  • 'Phát triển phong trào văn nghệ trong trường học

    Phát triển phong trào văn nghệ trong trường học

    Văn hoá - Xã hội -
    Huyện Sốp Cộp luôn quan tâm đến các phong trào văn nghệ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và sân chơi lành mạnh cho học sinh tại các trường học trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
  • 'Một thời hoa lửa

    Một thời hoa lửa

    70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Văn Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu 2, hiện đang sinh sống ở tiểu khu Bệnh viện, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, vẫn nhớ ký ức một thời hoa lửa cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
  • 'Nông dân Mai Sơn chăm sóc cây ăn quả

    Nông dân Mai Sơn chăm sóc cây ăn quả

    Nông nghiệp -
    Với trên 11.200 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 90.000 tấn/năm, huyện Mai Sơn là một trong những địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh. Thời điểm này, bà con nông dân trong huyện đang tập trung chăm sóc, duy trì cho cây ăn quả phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng mùa vụ.
  • 'Vai trò của các HTX trong liên kết sản xuất

    Vai trò của các HTX trong liên kết sản xuất

    Xã hội -
    Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Bắc Yên có nhiều hợp tác xã được thành lập, áp dụng những cách làm mới, liên kết sản xuất hiệu quả, giúp tăng thu nhập cho thành viên, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.