Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Đình Chu

Đình Chu (Phù Yên) có niên đại gần một thế kỷ đã và đang được khôi phục, xây mới với các công trình phụ trợ được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan xung quanh. Mang đậm giá trị tâm linh, từng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng Mường Tấc xưa.

 

Công trình Di tích lịch sử văn hóa Đình Chu tại bản Chiềng, xã Quang Huy (Phù Yên).

Theo chỉ dẫn của ông Cầm Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, từ hồ Noong Bua (có nghĩa là ao sen), chúng tôi đi thêm gần 1 km để vào bản Chiềng Hạ 1, bao quanh là cánh đồng lúa. Đình Chu hiện ra uy nghi. Theo những sổ sách ghi chép lại được biết, tương truyền vào cuối thế kỷ XIX, người dân vùng Mường Lang thuộc Mường Tấc thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, đói kém. Vì vậy, các chức sắc trong vùng đã cho người về xuôi học hỏi cách xây dựng Đình, lập bàn thờ... để cúng tế Đức Thánh Tản Viên, cầu các vị thần linh che chở, ban mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu cho dân bản. Đình Chu ngày đó được xây dựng theo lối kiến trúc cũng giống với các ngôi đình ở đồng bằng Bắc bộ, vì trên địa hình bằng phẳng. Mặt đình nhìn về hướng Tây, phía trước có thể bao quát được cả dòng suối Tấc hiền hòa và cánh đồng Mường Tấc rộng lớn. Nền lát gạch, những hàng cột lim to khỏe, bờ tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy hình đĩa với không gian chính được chia làm 4 phần: Tòa đại đình, hậu cung, sân đình và khuôn viên xung quanh.

 Năm 1921, dưới thời Tri châu Cầm Văn Khang, lễ tế thần thường được tổ chức 4 lần trong một năm vào các dịp: Đêm giao thừa; lễ ra tướng (lễ xuống đồng); lễ mừng cơm mới và lễ tổng kết cuối năm trước thềm năm mới. Đan xen trong các lễ hội thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Tung còn, đánh yến, leo cột mỡ… Đặc biệt là hội bắn súng hỏa mai, bắn súng kíp tự chế vào chiều 30 Tết và buổi chiều ngày mồng 3 Tết trong lễ ra tướng. Cứ 3 năm cách nhau thì có một lễ tế được tổ chức lớn. Bên cạnh những giá trị về mặt văn hóa, tín ngưỡng dân gian thì Đình Chu còn có giá trị về mặt lịch sử: Tháng 5/1945, Hội Thanh niên yêu nước Phù Yên được thành lập, tổ chức cắt máu ăn thề tại Đình Chu. Lúc đầu chỉ có 7 người, về sau Hội phát triển lên đến 57 người, đã vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến, phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chống càn và đánh du kích nhằm cướp vũ khí và tiêu hao sinh lực địch. Với giá trị về văn hóa và lịch sử như vậy, tháng 6/2013, Đình Chu đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đặc biệt do ảnh hưởng của các trận bom của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Di tích lịch sử Đình Chu đã bị sập đổ phần mái, chỉ còn lại 4 bức tường trống xây bằng gạch. Vì vậy việc nghiên cứu, phục dựng lại ngôi Đình góp phần tạo nơi sinh hoạt văn hóa và phát triển tham quan du lịch của địa phương. Thực hiện Quyết định số 519, ngày 4/4/2017 của UBND huyện Phù Yên về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Đình Chu, xã Quang Huy, huyện Phù Yên (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn khác, gồm các hạng mục nhà Đại đình và các công trình phụ trợ, sau 4 tháng xây dựng, Di tích đã hoàn thiện xong nhà Đại đình với diện tích 189 m2 và 50% khối lượng tường rào, còn lại các hạng mục của công trình dự kiến sẽ hoàn thành 4/2018. Việc tu bổ, tôn tạo Đình Chu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

Với những chứng tích có giá trị, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Chu sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn khách du lịch khi đến với Phù Yên.

 Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới