Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc được tỉnh ta quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là cầu nối để quảng bá hình ảnh địa phương cho du khách trong và ngoài nước; đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

 

 

Liên hoan Xòe Sơn La năm 2019.

                 

Cụ thể, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Trọng tâm là ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về ‘‘Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước’’; kế hoạch về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2017-2020; quyết định phê duyệt đề án sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La; quan tâm ban hành các chính sách phong tặng danh hiệu và vinh danh các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đưa nội dung văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ....

                 

Cùng với đó, tỉnh ta đã quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử; hoàn thành việc rà soát và đánh giá thực trạng về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 96 di tích được đưa vào danh mục quản lý và bảo vệ, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 34 di tích chưa được xếp hạng. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích được chú trọng; trung bình hằng năm, tỉnh đã tổ chức trùng tu, tôn tạo từ 1-2 di tích cấp tỉnh và quốc gia từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và cả nguồn lực xã hội hóa.

                 

Đối với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ khoa học 10 di sản văn hóa tiêu biểu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ Pang A của dân tộc La Ha; Nghệ thuật khèn của người Mông (Mộc Châu); lễ cưới dân tộc Dao (ngành Dao tiền); nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng Ma) của người Xinh Mun, xã Chiềng On (Yên Châu); nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa (Mộc Châu)... Đồng thời, phối hợp với các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

                 

Công tác bảo tồn và phát huy sách chữ Thái cổ cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, đến nay đã hoàn thành đề án “Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015”. Ban hành kế hoạch nhằm tiếp tục xây dựng ngân hàng dữ liệu số cho số sách chữ Thái cổ trong kho Bảo tàng tỉnh, nâng cấp phần mềm thư viện số, mua sắm trang thiết bị để bảo quản, phát huy sách chữ Thái cổ... Ngoài ra, tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020; tiến hành khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hóa nhạc cụ dân tộc Mông, dân ca dân tộc Dao; nghề làm giấy và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của dân tộc Dao; nghi lễ cúng vía trâu của dân tộc Thái; lễ mừng cơm mới của dân tộc Lào; nhạc cụ và làn điệu dân ca dân tộc Thái. Nghiên cứu, truyền dạy nghi lễ cúng bản của dân tộc La Ha, hát dân ca dân tộc Dao; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mông; nhạc cụ dân tộc Khơ Mú, làn điệu dân ca dân tộc Mường...

                 

Với nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh thời gian qua, nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được bảo vệ và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; quảng bá, giới thiệu văn hóa các dân tộc Sơn La đến với bạn bè trong nước và quốc tế; đóng góp tích cực vào công tác gìn giữ, bảo tồn và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới