Bảo tồn giá trị lễ hội Mợi của dân tộc Mường Phù Yên

Đồng bào Mường ở Phù Yên có nhiều nét văn hóa đặc sắc, như: Làn điệu dân ca đang Mường, ví Mường; các lễ hội: mừng cơm mới, lên nhà mới, lễ đón dâu, tục “thắt ba dao” đi ở rể... Trong các lễ hội truyền thống trong năm, lễ hội Mợi được tổ chức vào dịp đầu xuân (khoảng mồng 5 tết). Đây là dịp để người dân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và động viên nhau chung sức xây dựng bản mường giàu đẹp.

 

Đội văn nghệ quần chúng bản Thải, xã Mường Thải tái hiện tục khua đuống

(hình thức giã gạo) của đồng bào Mường trong Lễ hội Mợi.

Theo ông Triệu Tiến Phương, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Phù Yên, lễ hội Mợi có xuất xứ từ vùng Mường Bang, Mường Thải, sau đó lan ra các vùng Mường Do, Mường Lang, Tân Lang, Huy Thượng, Huy Hạ... Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, được tổ chức đan xen nhau. Vào lễ, thầy Mợi (giống thầy mo của người Thái) dùng lời hát đang, hát ví truyền thống của người Mường mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian hưởng lễ, phù hộ cho con cháu, bản mường khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, sau đó xin phép trình bày, báo cáo những phần việc sẽ diễn ra trong thời gian tới. Khúc cuối, tựa như phần bế mạc, thầy Mợi sẽ báo cáo với tổ tiên Mợi rằng dân bản đã vui lễ hội xong, xin phép dùng điệu múa trầu tiễn tổ tiên Mợi về trời. Hiện nay, lễ hội Mợi tổ chức trong 3 ngày (trước đây kéo dài 1 tuần).

Trong lễ hội Mợi có 4 điệu múa cơ bản, gồm: Múa vui hội xuân (múa bông); khăn Mợi truyền thống; ném còn - tung yến ngày xuân, phát nương; trồng bông, dệt vải. Các động tác ngôn ngữ của múa Mợi đều phản ánh cuộc sống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân. Theo truyền thống, múa Mợi diễn ra liên tục trong suốt thời gian tổ chức lễ hội và được lặp lại nhiều lần, tùy thuộc vào từng nhóm người tham gia. Âm nhạc sử dụng trong các bài múa được tạo nên từ những vật liệu đơn giản như ống tre, ống nứa để gõ làm nhịp. Các ống có độ dài, ngắn, âm thanh khác nhau, có nhịp điệu cổ truyền ổn định. Ngoài ra, còn sử dụng bộ gõ như trống, chiêng, đuống, chám chọc... tạo không khí vui tươi, rộn ràng. Điệu múa Mợi của người Mường uyển chuyển, nhịp nhàng, nhưng lại mạnh mẽ; già, trẻ, gái, trai hay người của địa phương khác đến dự đều được tham gia múa, nên có thể nói đây là nghệ thuật múa mang tính cộng đồng. Tại lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian cổ truyền, khắc họa sinh động cuộc sống lao động sản xuất của bà con, như: Đi cày, bừa, bắt ong, đưa kim bói chỉ (khắc họa tình yêu đôi lứa)...

Chị Lê Thị Thơi, cán bộ Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Phù Yên, chia sẻ: Trải qua thời gian, lễ hội Mợi của đồng bào Mường có nguy cơ mai một. Trước thực tế đó, năm 2004, đơn vị tổ chức phục dựng lễ hội Mợi tại xã Huy Tân. Năm 2017, phối hợp tổ chức lớp tập huấn các điệu múa cơ bản trong lễ hội cho 20 hội viên chi hội phụ nữ và chi hội người cao tuổi ở 3 bản: Thải Thượng, Thải Hạ (nay sáp nhập thành bản Thải) và bản Chiếu ở xã Mường Thải. Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Mường, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Đội văn nghệ quần chúng bản Thải, xã Mường Thải là một trong số ít đội văn nghệ còn lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo lễ hội Mợi của đồng bào Mường. Ông Đinh Văn Dâu,  thành viên đội văn nghệ bản Thải, nói: Để các điệu múa trong lễ hội Mợi không mai một, Đội văn nghệ bản đã thường xuyên tập luyện; khuyến khích các hạt nhân văn nghệ biểu diễn các tiết mục múa Mợi mang đậm bản sắc dân tộc trong các buổi giao lưu văn nghệ, các ngày hội văn hóa hay hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện. Bên cạnh đó, tổ chức truyền dạy cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong bản cách sử dụng chiêng, trống, cách gõ ống tre, nứa theo nhịp..., giúp các cháu làm quen với nhạc cụ cổ truyền sử dụng trong lễ hội Mợi, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường nói chung và lễ hội Mợi nói riêng, huyện Phù Yên đang tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, xây dựng đề án bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu nét đẹp văn hóa lễ hội Mợi; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để đưa các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch. Đồng thời, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có công phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường...

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới