Bài toán “hậu Covid-19” ở các bệnh viện

Hiện dịch Covid-19 đã tạm lắng, là dịp để khôi phục, chấn chỉnh hệ thống y tế; đồng thời chuẩn bị các phương án sẵn sàng xử trí khi dịch bùng phát trở lại, hay những dịch bệnh mới trong tương lai.

Thăm khám bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh THÀNH DƯƠNG)
Thăm khám bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh THÀNH DƯƠNG)

Làn sóng dịch thứ tư (kéo dài từ cuối tháng 4/2021 đến nay) để lại hậu quả nặng nề cho các bệnh viện, khi nhiều cơ sở phải cách ly, phong tỏa; quá trình khám, chữa bệnh của người dân bị đứt gãy; cán bộ y tế điều trị được huy động tăng cường chống dịch tại các địa phương. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước cũng đã bị Covid-19 làm cho tê liệt, dừng hoạt động trong 3 tuần, đó là dịp cuối tháng 3/2020.

Hơn hai năm qua, Bạch Mai cũng đã cử hơn 2.000 lượt cán bộ đi tăng cường, hỗ trợ các địa phương chống dịch, từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Bắc Giang, Bắc Ninh, Ðà Nẵng, đến TP Hồ Chí Minh, An Giang… Trong hai năm 2020 và 2021, Ðà Nẵng ba lần bị dịch tấn công ảnh hưởng rất lớn công tác khám, chữa bệnh của nhiều bệnh viện trên địa bàn. Ở đó, Bệnh viện Ðà Nẵng là đơn vị nòng cốt trong điều trị người mắc Covid-19. Thời kỳ cao điểm, Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng đã quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến (Cơ sở 2 Bệnh viện Ðà Nẵng) chuyên thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sự đứt gãy quy trình khám, chữa bệnh nghiêm trọng nhất phải kể đến giai đoạn tháng 5 đến tháng 11/2021 tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía nam. Dịch bùng phát trên diện rộng, số bệnh nhân trở nặng tăng đột biến, vượt khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Mặc dù đã phải trưng dụng nhiều bệnh viện, kể cả một số khu chung cư để làm cơ sở chuyên điều trị Covid-19, nhưng cũng không đáp ứng đủ.

Bộ Y tế phải thành lập Bộ phận thường trực chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và triển khai hàng chục đoàn công tác hỗ trợ các địa phương trong khu vực chống dịch. Ðặc biệt, Bộ quyết định triển khai nhiều Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long… và giao các bệnh viện tuyến trung ương phụ trách.

Dịch được kiểm soát, là dịp để ngành y tế đánh giá lại, cũng như rút ra các bài học để ứng phó kịp thời nếu dịch Covid-19 phức tạp trở lại hay một dịch bệnh mới xuất hiện. Theo lãnh đạo của nhiều bệnh viện, nhân lực và trang thiết bị là hai yếu tố quan trọng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, giải quyết hai vấn đề đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp cho rằng, cần có hai chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm đủ mạnh. Mà để đạt được điều đó, phải có sự đầu tư lớn cả về nhân lực và trang thiết bị. Lĩnh vực hồi sức đòi hỏi nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại (phải đầu tư lớn)… còn đội ngũ nhân lực (bác sĩ, y tá hồi sức…) đều vất vả, nguy hiểm, nghèo… cho nên rất khó thu hút nhân lực.

Từ thực tế công tác ứng phó dịch trong hai năm qua, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cho rằng: Ngành y tế và các bệnh viện cần phải chuyên nghiệp hóa trong phòng, chống dịch bệnh bằng quy trình. Bệnh viện không thể thay đổi hình thức khám, chữa bệnh được, người dân có bệnh thì đến bệnh viện, không thể hạn chế. Cho nên, mỗi đơn vị xây dựng những quy trình cụ thể, chi tiết, khi tình huống A xảy ra, thì phải có quy trình A, khi tình huống B xảy ra, thì phải có quy trình B...

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng quy trình rồi, nhưng các bệnh viện phải cụ thể hóa các quy trình đó vào từng bệnh viện, không có bệnh viện nào giống nhau vì khác nhau về thiết kế, quy mô, sơ đồ... Khi dịch xảy ra, từng bệnh viện phải có quy trình bộ phận nào mở, bộ phận nào đóng, cách cung ứng vật tư, trang thiết bị trong giai đoạn thảm họa như thế nào…

Một số lãnh đạo bệnh viện nêu rõ, trong các đợt dịch, mạng lưới bệnh viện từ tuyến dưới lên tuyến trên có sự liên thông khá tốt. Ðiều đó tiếp tục duy trì sự kết nối từ tuyến cơ sở thấp nhất là tuyến y tế xã, phường, cho đến tuyến cao nhất với tinh thần tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới giống như một mạng lưới đa cấp, nhưng với ích lợi là người dân được hưởng lợi nằm trong nhóm hệ thống điều trị.

Khi thiết lập được một hệ thống liên thông chặt chẽ, cộng với sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số thì chúng ta có thể duy trì chất lượng điều trị của tuyến cao nhất và tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc sức khỏe người dân ở tuyến thấp nhất cũng như sẵn sàng đáp ứng được các dịch bệnh khác.

PGS, TS Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, cũng như nhiều bệnh viện, Bạch Mai đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau hai năm chống dịch, đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia chống dịch chưa một ngày nghỉ, trở về ngay với công việc thường ngày, khám, chữa bệnh cho người dân trong điều kiện rất thiếu trang thiết bị y tế. Thực tế 15 năm qua hầu hết trang thiết bị, kể cả những loại máy móc hiện đại đều là liên doanh, liên kết, nhưng nay vì nhiều lý do, không tiếp tục được sử dụng.

Việc mua sắm thiết bị mới lại không hề dễ vì thiếu nguồn lực tài chính cũng như cơ chế để mua còn vướng mắc, dẫn đến thực tế hiện nay đang rất thiếu thiết bị máy. Một “nghịch lý” khác mà bệnh viện này đang gặp là số bệnh nhân tăng, cán bộ phải làm thêm giờ, nhưng nguồn thu không tăng theo để bù đắp thu nhập cho nhân viên y tế. Bệnh viện đã có những văn bản kiến nghị, đề xuất cơ quan liên quan về việc điều chỉnh phù hợp, để tính đúng, tính đủ giá viện phí đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, mới bảo đảm nguồn thu cho các bệnh viện cân đối ngân sách.

Tiến sĩ Lê Ðức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Ðà Nẵng cho biết, Bệnh viện gặp một số khó khăn khi cách xác định chi phí khám, chữa bệnh tăng, giảm trong năm 2021 theo Công văn số 3144/BYT-BH ngày 22/4/2021 và Công văn 5637/BYT-BH ngày 15/7/2021 chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng do dịch Covid-19. Giá dịch vụ y tế hiện tại chưa tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Theo quy định, bệnh viện không được thu thêm của người bệnh các chi phí như vật tư y tế đã kết cấu trong giá của các dịch vụ, tuy nhiên bảo hiểm y tế chỉ xây dựng và ban hành chi tiết cơ cấu giá của một số dịch vụ cụ thể, bệnh viện không có cơ sở để kiểm tra vật tư y tế đã được xây dựng trong giá dịch vụ hay chưa, dẫn đến chi phí thực tế phát sinh cao hơn so với mức giá quy định ở nhiều dịch vụ, ảnh hưởng việc tự chủ tài chính tại bệnh viện.

Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, hệ thống y tế công lập ở nước ta đang bị mất nguồn nhân lực lớn sau đại dịch, vì các bác sĩ quá căng thẳng, vất vả, trong khi thu nhập thấp. Một phần đã nghỉ việc, một phần chuyển sang hệ thống y tế tư nhân. Tuy nhiên, vấn đề này không phải từ sau khi có dịch Covid-19, mà đã có từ trước; dịch Covid-19 đến như “giọt nước tràn ly”. Chính vì vậy, cần có những giải pháp thay đổi, nâng cao thu nhập cho bác sĩ. Ra trường nhận lương hơn ba triệu đồng thì không ai muốn làm việc.

Mặt khác, cần tăng cường cơ sở vật chất, nhất là cung cấp đủ phương tiện, trang thiết bị cho bác sĩ làm việc; đồng thời tạo điều kiện cho bác sĩ học tập nâng cao tay nghề, thường xuyên được tham gia đào tạo lại, hoàn thiện các chuyên sâu bằng cấp liên quan.

Một vấn đề đang rất vướng mà nhiều bệnh viện đang gặp phải là khó mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao. Do vậy, Bộ Y tế cần cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi các quy định để công tác đấu thầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc trong hệ thống y tế công lập được thuận lợi, tránh rơi vào “khủng hoảng” bởi các văn bản.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới