Bắc Yên nỗ lực thoát nghèo

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, những năm qua, huyện Bắc Yên đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án của Nhà nước; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

                      

           

Người dân bản Bẹ, xã Tà Xùa (Bắc Yên) phát triển chăn nuôi đại gia súc.

           

Đến xã vùng cao Tà Xùa, cảm nhận rõ sự đổi thay ở nơi đây. Trụ sở, trường học, trạm y tế, điện lưới, giao thông được đầu tư khá đồng bộ. Đặc biệt, sức hút từ tiềm năng du lịch càng làm cho vùng đất gian khó ngày nào càng thêm sức bật mới. Đồng chí Đỗ Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Những năm trước, Tà Xùa là một trong những xã có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao của huyện, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sản xuất nông, lâm nghiệp mang tính tự cung tự cấp... Cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây, con giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất, cải tạo những sườn đồi đất dốc khô cằn để trồng chè Shan tuyết; trồng cỏ chăn nuôi gia súc để phát triển hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, chúng tôi đang dồn lực hoàn thành các tiêu chí để cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2021.

           

Hiện xã Tà Xùa có gần 200 ha chè Shan tuyết, trong đó có 1.650 cây chè cổ thụ tập trung tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Trinh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 500 tấn/năm; chuyển đổi được gần 150 ha cây ăn quả các loại; khai hoang 191 ha ruộng lúa nước; trồng gần 10 ha các loại cỏ voi, duy trì và phát triển trên 2.000 con trâu, bò... Đồng thời, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, phục vụ nhu cầu khách du lịch, nâng cao thu nhập... Đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,53%; Tà Xùa đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

           

Hiện nay, huyện Bắc Yên còn 13/16 xã đặc biệt khó khăn, 67/103 bản đặc biệt khó khăn. Nhìn chung kinh tế huyện trong những năm qua có phát triển nhưng chưa vững chắc, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; cơ sở hạ tầng, tư liệu hỗ trợ sản xuất còn thiếu; công tác chuyển đổi ngành nghề thay thế cho sản xuất nông nghiệp thuần nông còn nhiều hạn chế; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các xã trong huyện.

           

Trước thực tế đó, huyện Bắc Yên đã tập trung nguồn lực để đầu tư cho phát triển, như các xã vùng cao (Hồng Ngài, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú), tập trung chăn nuôi đại gia súc; phát triển cây sơn tra, cây ăn quả ôn đới; phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và dược liệu dưới tán rừng. Đối với các xã vùng thấp (Song Pe, Phiêng Ban, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Chim Vàn, Pắc Ngà), đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển đa dạng các loại cây ăn quả nhiệt đới; giảm thiểu tác động cơ cấu mùa vụ tới giá thành sản phẩm. Các xã trọng điểm kinh tế, gồm: Thị trấn Bắc Yên, xã Mường Khoa, Tà Xùa, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP), từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các vùng khác trên địa bàn huyện kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

           

Từ năm 2016 đến nay, huyện Bắc Yên đã thực hiện đầu tư gần 167 tỷ đồng (Nhà nước gần 154 tỷ đồng, ngân sách địa phương 803 triệu đồng, nguồn vốn khác trên 12 tỷ đồng). Thông qua chương trình 30a, 135 đã đầu tư xây dựng 66 công trình, gồm: giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt; hỗ trợ cho 1.935 hộ nghèo các xã, thị trấn làm chuồng trại nuôi bò, dê theo hình thức nhốt chuồng (1.805 con bò cái sinh sản, 130 con dê); hỗ trợ chuyển đổi gần 500 ha cây trồng trên đất dốc cho 1.666 hộ... Đến nay, các dự án thực hiện từng bước đã phát huy hiệu quả, góp phần vào việc tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Hiện, huyện có 2 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu là chè Tà Xùa và táo sơn tra.

           

Phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại huyện vùng cao Bắc Yên. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp đã cơ bản làm thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Mường Khoa, Phiêng Ban), 13 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, bình quân đạt 13,1 tiêu chí/xã; 13/15 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa. Năm 2020, thu nhập bình quân đạt gần 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 40%.

           

Chia sẻ về công tác giảm nghèo trong thời gian tới, ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, thông tin: Huyện đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn nông nghiệp chế biến với phát triển công nghiệp, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, giúp hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% và đưa huyện thoát nghèo.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới