Bác sĩ tận tụy với nghề

19 năm khoác trên mình tấm áo Blue trắng, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Giang An, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu luôn được đồng nghiệp tôn trọng, quý mến bởi sự tận tụy, sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ và luôn hết lòng vì người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.

Sáng tạo trong nghiệp vụ 

 “Ngay từ khi còn là học sinh Trường THPT Mộc Lỵ, tôi ước mơ trở thành chiến sỹ công an, nhưng khi sơ tuyển không đạt do thiếu chiều cao và cân nặng, tôi đã đăng ký và thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên; sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu từ đó đến nay...”. Bác sĩ Vũ Giang An vừa pha nước vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bước chân vào ngành y của mình như một cơ duyên đã được sắp đặt.

Bác sĩ Vũ Giang An (thứ ba từ trái sang) thực hiện phương pháp nội soi khớp gối cho bệnh nhân.

Tâm huyết với nghề, tôn trọng, yêu quý và truyền cho bệnh nhân niềm tin, nghị lực để chiến đấu với bệnh tật - Đó là cảm nhận của chúng tôi khi được nghe bác sĩ An kể về những trăn trở, tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Anh kể câu chuyện về một nữ bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, do kinh tế khó khăn nên khi đến Bệnh viện điều trị, ban đầu chỉ được kê đơn thuốc uống; sau hai năm bệnh nặng hơn, đến khám ở Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu được chẩn đoán phải về Hà Nội mổ; bác sĩ An là người theo dõi bệnh nhân từ khi khám đến khi về mổ ở Hà Nội, rồi theo dõi hướng dẫn điều trị phục hồi chức năng, bác sĩ An đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho quá trình công tác của mình. Anh nhận thấy các bệnh nhân mắc các bệnh tổn thương khớp gối, đứt dây chằng do tai nạn, sinh hoạt thể thao nhiều, hầu hết đều phải chuyển về Hà Nội điều trị. Song một thực tế, nhiều bệnh nhân do điều kiện kinh tế khó khăn phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, thế là bác sĩ An đã liên hệ với các công ty vật tư y tế mượn các thiết bị, vật tư để mổ và điều trị cho các bệnh nhân. 

Sau khi hoàn thành chương trình Cao học, bác sĩ An bắt đầu mổ các ca phức tạp về gãy xương như đầu trên, đầu dưới xương đùi và xương cẳng chân, thực hiện mổ các ca khớp gối. Rất nhiều ca khó, phức tạp được bác sĩ An cùng đồng nghiệp thực hiện thành công, nhưng ấn tượng nhất với anh là trường hợp 1 bệnh nhân ở xã Hua Păng bị chẩn đoán u xương sọ, điều kiện kinh tế khó khăn, không thể đi điều trị ở Hà Nội, sau 1 năm quay lại khám thấy sức khỏe suy giảm rõ rệt, nói chuyện khó khăn. Bác sĩ An đã xin ý kiến Ban Giám đốc mổ cho bệnh nhân, trong quá trình mổ bệnh nhân bị khuyết 1 vùng sọ (do sọ bị cắt phần u xương), bác sĩ An đã tìm cách vá ghép chỗ khuyết hộp sọ bằng miếng ti tan, đây là thành công lớn khi thực hiện cùng 1 ca mổ vừa cắt, vừa ghép hộp sọ cho bệnh nhân. 

Năm 2016, bác sĩ An và đồng nghiệp đoạt giải nhì Cuộc thi  sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La với giải pháp “Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân cơ bán gân và gân cơ thon tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu”. Bác sĩ An giải thích: Đứt dây chằng chéo trước là một tổn thương rất hay gặp trong chấn thương khớp gối. Qua học và nghiên cứu, chúng tôi đã thực hiện phương pháp điều trị mổ tái tạo dây chằng chéo trước qua nội soi, áp dụng kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước 1 bó với một đường hầm xương đùi và một đường hầm xương chày. Đối với các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán xác định đứt dây chằng chéo trước dựa vào chụp cộng hưởng từ khớp gối. Tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, trong 9 ca bệnh được phẫu thuật chỉ có 6 bệnh nhân cần chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán xác định, còn lại 3 ca bệnh có triệu chứng lâm sàng quá rõ nên không phải chụp cộng hưởng từ, làm như vậy vừa đỡ hại sức khỏe và giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong phẫu thuật, chúng tôi dựa vào hệ thống máy nội soi phẫu thuật ổ bụng mà bệnh viện đã được đầu tư mua sắm, còn lại các trang thiết bị khác như camera, khoan điện, garo hơi, máy bơm nước... đều mượn của công ty cung ứng vật tư cho mỗi ca mổ để tiết kiệm chi phí cho các bệnh nhân.
Được biết, sau những ca phẫu thuật, bác sĩ An đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc xin Sở Y tế phê duyệt kỹ thuật trên để đưa vào danh mục hưởng bảo hiểm y tế. Sau phẫu thuật còn trực tiếp hướng dẫn tập phục hồi chức năng, các bài tập được sắp xếp và in thành sách hướng dẫn phát cho bệnh nhân. Sáng tạo trong phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước đã mở ra một hướng mới rất hiệu quả trong việc điều trị đứt dây chằng chéo trước, một loại bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân. Đây là một kỹ thuật điều trị bệnh không quá phức tạp, vấn đề cần có là bác sỹ chuyên ngành và hệ thống  nội soi. Đây là phương pháp phẫu thuật tuy mới đối với tuyến huyện nhưng có thể chuyển giao kỹ thuật nhanh chóng cho các bác sỹ chuyên khoa ngoại đã có những kỹ năng phẫu thuật cơ bản. Với giải pháp này và những thành công đóng góp trong quá trình công tác, bác sĩ Vũ Giang An đã vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc trẻ tiêu biểu  toàn quốc năm 2017.

Cũng trong hoạt động nghiệp vụ, xuất phát từ cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa Khoa Mộc Châu còn nhiều thiếu thốn, “cái khó ló cái khôn”, bác sĩ An đã sáng tạo và cải tiến hai nội dung quan trọng trong quá trình mổ cho bệnh nhân, giảm chi phí đầu tư của Bệnh viện. Đầu tiên là sáng kiến trong các ca mổ khoan sọ, anh bảo nếu đầu tư 1 máy khoan thì Bệnh viện sẽ phải chi phí khoảng hơn 700 triệu đồng, trong khi nhu cầu sử dụng ít sẽ gây lãng phí, bác sĩ An đã có sáng kiến chỉ mua riêng mũi khoan rồi lắp vào khoan điện của Bệnh viện đang dùng để phẫu thuật xương, sáng kiến này đã giảm chi phí cho Bệnh viện và đã mổ thành công trên 40 ca sọ não. Sáng kiến tiếp theo là việc chế tạo ra mũi khoan để khoan xương vòm sọ với độ sâu cố định, khi đó bác sĩ mổ sẽ không lo khoan thủng xương sọ. Bác sĩ An chia sẻ thêm: “Do sử dụng mũi khoan xương sọ trước khi bắt vít nên chúng tôi chỉ cần sử dụng loại vít không tự khoan, vít này cùng công ty sản xuất, cùng chất liệu và kích thước nhưng giá thành rẻ bằng 1 nửa so với vít tự khoan, cách làm này được tôi và các đồng nghiệp áp dụng mổ thành công cho trên 30 bệnh nhân trong 3 năm qua, tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho bệnh nhân. Đây cũng là sáng kiến được chúng tôi đăng ký đề tài sáng kiến kỹ thuật năm 2020”.

Người cán bộ tận tâm, tận tụy 

Trong căn phòng làm việc nhỏ của bác sĩ An, chúng tôi ấn tượng với 1 kệ tủ để kín những cúp, các biểu tượng vinh danh của các cấp, ngành trao tặng cho bác sĩ An. Từ năm 2012-2019, bác sĩ An đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có 3 năm (2013, 2016, 2019) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen. Hiện, bác sĩ An vừa là Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình, lại tham gia công tác Đoàn của Bệnh viện. Công việc vô cùng bận rộn, nhưng với niềm đam mê, trách nhiệm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, anh đã phát động nhiều phong trào hướng về người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và hiện vẫn đang được Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu tổ chức đều đặn, như: Chương trình từ thiện cấp thuốc miễn phí cho bà con các xã; xây dựng tủ sách, tủ quần áo cũ, phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo khám, điều trị tại Bệnh viện vào các sáng thứ 3 và thứ 5 hằng tuần. Ngoài công tác quản lý, bản thân bác sĩ An cũng trực tiếp tham gia điều trị, phẫu thuật cấp cứu, mổ phiên các ca bệnh phức tạp. Hiện, trung bình mỗi tháng, Khoa chấn thương chỉnh hình thực hiện trên 80 ca mổ các loại, trong đó bác sĩ An trực tiếp thực hiện hơn 50 ca. Mỗi ca mổ nặng thực hiện tại Bệnh viện Mộc Châu có chi phí thấp hơn từ 10-20 triệu đồng so với đi mổ tại Hà Nội. Những sáng kiến của bác sĩ An cùng đồng nghiệp thật vô cùng hữu ích và tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho bệnh nhân.

Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng đầy khó khăn, vất vả, trọng trách lớn lao. Lựa chọn nghề y là lựa chọn một con đường gian nan,  nhiều áp lực, song với tình yêu nghề, bác sĩ Vũ Giang An đã và đang hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao quý “trị bệnh cứu người”.
Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới