9X khởi nghiệp từ trồng dâu tây

Từ một khoảnh vườn nhỏ phía góc khu rừng thông bản Áng (Mộc Châu), sau hơn 2 năm lập nghiệp, chàng trai trẻ Vũ Văn Lực ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã xây dựng nên một trang trại dâu tây rộng 5 ha, doanh thu gần 5 tỷ đồng mỗi năm, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa tạo một điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

 14.jpg

Du khách trải nghiệm tự hái dâu tây tại trang trại dâu tây Chimi của anh Vũ Văn Lực.

Đến rừng thông bản Áng, hầu như ai cũng muốn ghé qua trang trại dâu tây Chimi để được tự tay hái và thưởng thức những quả dâu tây thơm ngon ngay tại vườn. Dâu tây là nông sản cho giá trị kinh tế cao, nhưng cũng là loại nông sản rất khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm bón. Để xây dựng trang trại dâu tây cần có nguồn vốn lớn, sự kiên trì và kinh nghiệm quản lý. Nhưng khi biết ông chủ của trang trại dâu tây chỉ là một chàng trai sinh năm 1990, chúng tôi thực sự bất ngờ. Trò chuyện với ông chủ 9X, chúng tôi được Vũ Văn Lực chia sẻ: Khi đang là sinh viên của khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), dù không phải là ngành nông nghiệp, nhưng sự đam mê đã lôi cuốn Lực tự ươm cây giống để bán cho những người bạn cùng trường vì thấy có nhiều người cùng thích trồng cây dâu tây giống. Ý tưởng khởi nghiệp và làm giàu từ cây dâu tây cũng được anh nuôi từ thời sinh viên.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, chàng sinh viên trẻ quyết định khởi nghiệp bằng việc trồng cây dâu tây thay vì theo đuổi chuyên ngành đã học. Thời điểm đó, có rất nhiều người, kể cả bạn bè và gia đình đều lấy làm lạ với quyết định của Lực. Song, thấy con trai quyết tâm thực hiện ý nguyện, bố mẹ anh đã hỗ trợ một phần vốn đầu tư. Lực bảo, chọn nông nghiệp làm con đường kinh doanh là biết phải đối mặt với khó khăn của thời tiết, khí hậu hay biến động giá cả của thị thường. Nhưng muốn thành công phải biết chấp nhận thử thách.

Để chuẩn bị hành trang cho mình, anh vào Đà Lạt - một trong những vùng trồng dâu tây có tiếng của cả nước - tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng dâu tây và những đặc tính phát triển của loại nông sản khó tính nhưng có giá trị kinh tế cao này. Sau gần 1 năm tìm hiểu, chàng trai trẻ đã “khăn gói” đi tới nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc để tìm nơi thực hiện ý tưởng của mình. Rồi Lực quyết định chọn Mộc Châu làm nơi khởi nghiệp, bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có nét tương đồng với Đà Lạt.

Đi cùng anh tới khu nhà lưới trồng dâu tây, nhìn dáng người mảnh khảnh, vầng trán cao, bước đi nhanh nhẹn của Lực, chúng tôi chợt nghĩ nếu không làm nông nghiệp chắc hẳn anh phải là một chuyên viên ngân hàng hay nhân viên của bộ phận kinh doanh ở một công ty nào đó. Vậy nhưng khi chăm sóc những hàng cây dâu tây, chúng tôi lại thấy sự tỉ mỉ của anh đối với từng chiếc lá, từng quả dâu tây đỏ mọng với đôi bàn tay gồ ghề, thô ráp, hệt một người làm nông thực thụ. Vừa chăm cây, anh vừa nói: Chăm cây tốt cây sẽ cho quả ngọt, khách đến đây tự tay hái quả sẽ thích thú, đến Mộc Châu chắc chắn sẽ quay lại vườn của mình.

“Vạn sự khởi đầu nan”, với bất kỳ ai trước khi bắt tay vào làm một việc gì mới đều không tránh khỏi những khó khăn, bởi mùa đông ở Mộc Châu thường có băng giá làm cho dâu chết nhiều, nhất là khoảng thời gian dâu tây ra quả, khoảng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 5 năm sau. Dù vậy, với mảnh vườn rộng 1.800 m2 thuê của một hộ dân bản Áng, ban đầu đã đem lại lợi nhuận đáng kể từ bán cây giống. Vừa làm vừa tìm tòi nghiên cứu, một ý tưởng xây dựng trang trại dâu hấp dẫn, vừa có doanh thu, vừa là điểm du lịch, Lực quyết định mở rộng trang trại.

“Ông chủ 9x” bộc bạch: Khoảng giữa năm 2016, tôi nghĩ nếu trong khu rừng thông có một khu vườn trồng dâu tây, chắc chắn ai đến đây cũng sẽ đến vườn dâu của mình. Vậy nên tôi đã thuê khu đất rộng 1,5 ha ở cuối rừng thông để làm trang trại dâu tây. Niên vụ 2016-2017, ngay sau khi trang trại hình thành, khách đã đến khá nhiều. Để khách thoải mái khi đến thăm trang trại, tôi không thu tiền khách vào tham quan, khách vẫn có thể tự tay hái quả mà mình thích và mang ra quầy để trả tiền. Cứ như vậy, vào mùa dâu tây, trung bình mỗi tuần trang trại đón khoảng 1.000 lượt khách. Nhiều khi trang trại không đủ sản phẩm dâu quả cho khách đến tham quan mua về làm quà.

Ngoài bán dâu tây du khách tự hái, để tránh quả để lâu bị hỏng, Lực tăng thêm các sản phẩm chế biến từ dâu tây như mứt, sinh tố... Cùng với đó, từng bước mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, anh đã là ông chủ của 2 trang trại 6 ha. Riêng trang trại ở rừng thông 5 ha. Với tư duy của một người đã từng học kinh tế, ông chủ trẻ đã nhanh chóng tìm hiểu nhu cầu của thị trường các tỉnh miền Bắc đối với loại quả này; đồng thời, vận động một số người bạn góp vốn; mang sản phẩm đi giới thiệu tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị Vinmart, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau một thời gian, siêu thị Vinmart tại Hà Nội và một số tỉnh, thành đã đồng ý để trang trại dâu tây của ông chủ 9X Vũ Văn Lực trở thành một trong những nguồn cung cấp dâu tây ổn định.

Bằng sự năng động, sáng tạo, đam mê, chàng trai trẻ đã trở thành ông chủ 9X của 2 trang trại dâu tây khi chưa đầy 30 tuổi. Với doanh thu gần 1 tỷ đồng/ha dâu tây, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, Vũ Văn Lực đã và đang góp phần làm cho vùng đất này có thêm sản phẩm du lịch mới, làm cho mùa xuân trên thảo nguyên Châu Mộc đẹp hơn, hấp dẫn hơn.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới