“5 có, 5 không” ở Long Hẹ

Những năm qua, đồng bào dân tộc Mông ở xã Long Hẹ (Thuận Châu) đã và đang thực hiện có hiệu quả cam kết “5 có, 5 không”, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống văn hóa, bản làng giàu đẹp.

 

Cán bộ xã Long Hẹ (Thuận Châu) tuyên truyền, vận động người dân ở bản Nặm Búa trồng rừng bằng cây sơn tra.

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, Long Hẹ có 19 bản với 827 hộ, 4.351 nhân khẩu, có 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó người Mông chiếm 63% với 5 dòng họ. Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp, ngành trong huyện, các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc. Từ năm 2007, Đảng bộ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông trong xã; phân công cán bộ đến các bản hướng dẫn nhân dân ký cam kết, từng bước bài trừ các hủ tục trong ma chay, cưới xin... xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa tại các bản, các dòng họ, gia đình; thường xuyên tổ chức họp các dòng họ để bà con tham gia ý kiến và thống nhất các quy định về xây dựng đời sống văn hóa ở bản.

Một nội dung quan trọng trong cam kết “5 có, 5 không” được bà con thực hiện hiệu quả trong những năm qua, đó là đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ. Nhờ thực hiện tốt cam kết nên các gia đình trên địa bàn xã đã chuyển từ trồng trọt, chăn nuôi giống địa phương năng suất thấp sang giống mới, giống lai năng suất cao, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá; trồng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như sơn tra, chanh leo, thảo quả, thông... Hiện, toàn xã có 900 ha lúa nương, 88 ha lúa nước, 750 ha ngô lai; chăn nuôi hơn 5.900 con gia súc và gần 18.600 con gia cầm. Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, xã đã vận động người dân chuyển từ chăn thả tự nhiên, nhỏ lẻ sang chăn nuôi nhốt chuồng; nhờ vậy, không còn hiện tượng thả rông gia súc, phá hoại cây trồng. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được duy trì tốt; đặc biệt những năm gần đây, đồng bào Mông trong xã lựa chọn cây sơn tra làm cây trồng chủ lực, xóa nghèo bền vững, tích cực trồng rừng bằng cây sơn tra, góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn xã lên 45%. Đầu năm 2017, trên địa bàn xã thành lập HTX Nặm Búa với 122 thành viên của nhiều bản trong xã (trong đó trên 70% thành viên là đồng bào dân tộc Mông); hiện đang là HTX có diện tích trồng cây sơn tra nhiều nhất huyện Thuận Châu với diện tích 177 ha, trong đó đã 79 ha cho thu hoạch với sản lượng gần 60 tấn. Bên cạnh đó, HTX trồng thí điểm 2ha cây sa nhân; gần 150 ha thông; 10 ha chanh leo; 5ha xoài...; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, hiện đàn trâu, bò của HTX gần 200 con. Năm 2017, HTX thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện tốt nội dung cam kết “5 có, 5 không”, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn ở các bản được giữ vững, ổn định; nhận thức của đồng bào có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân thực hiện tốt hương ước, quy ước; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã từng bước được xóa bỏ; việc cưới xin, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm; người ốm được đưa đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; trẻ em được đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Xã không còn tình trạng trồng cây thuốc phiện, số vụ liên quan đến tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội giảm dần qua các năm. Năm 2017, toàn xã có 271 hộ được công nhận gia đình văn hóa và 1 bản đạt bản văn hóa...

Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, diện mạo vùng cao Long Hẹ đang thay đổi từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững; cơ sở vật chất ngày được quan tâm, đầu tư; góp phần xây dựng bản làng ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới