Ngày sách và văn hóa đọc 21/4: “Sách và khát vọng và phát triển”

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, với chủ đề “Sách và khát vọng và phát triển”, các đơn vị, trường học, địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tập trung vào việc tôn vinh giá trị của sách, tầm quan trọng của việc đọc sách, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của sách trong cuộc sống thường ngày.

Giọng nữ
Thi xếp sách nghệ thuật tại Ngày sách và văn hóa đọc huyện Yên Châu 2024

Sách là nguồn tri thức phong phú của nhân loại, “đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” (Cao Bá Quát). Ở thời nào cũng vậy, sách luôn có vai trò quan trọng để mở mang tri thức, hiểu biết, hình thành nhân cách cao đẹp. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các thiết bị thông minh, sách đang dần bị sao nhãng trong cuộc sống. Vì vậy, để khuyến khích việc đọc sách, coi trọng sách, những năm gần đây, các hoạt động nhằm tuyên truyền về giá trị của sách và vai trò của đọc sách đã được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng. Kế hoạch tuyên truyền về Ngày sách và văn hóa đọc 2024 đã được tỉnh ban hành và hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng vào thời gian cao điểm từ ngày 15/4 đến 1/5 với mục tiêu lan tỏa những thông điệp ý nghĩa: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe".

Phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân, Thư viện tỉnh đã tích cực thực hiện công tác lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển nguồn tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu bạn đọc. Không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn giúp bạn đọc tại cơ sở tiếp cận sách bằng thư viện lưu động, thường xuyên luân chuyển 56.000 đầu sách tại các thư viện của 10 huyện, thành phố; 47 trạm sách công cộng. Song song với thực hiện chuyển đổi số thư viện và không ngừng đổi mới các hoạt động giới thiệu sách, tuyên truyền văn hóa đọc, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của sách, tầm quan trọng của đọc sách trong cuộc sống.

Bà Lưu Thị Hải Anh, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh, cho biết: Từ đầu tháng 4, Thư viện tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Trong đó, điểm nhấn là 2 sự kiện có quy mô cấp tỉnh được tổ chức ở huyện Yên Châu, Vân Hồ với chuỗi các hoạt động như: Trưng bày các đầu sách hay, thi xếp sách nghệ thuật, thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức, phục vụ bạn đọc bằng thư viện lưu động… tổ chức tại các trường học, thu hút các em học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân dân quan tâm tham gia. Các hoạt động đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong trường học, cộng đồng.

Triển lãm sách nghệ thuật tôn vinh giá trị của sách

Thư viện tỉnh chủ động phối hợp cùng các đơn vị, trường học, địa phương tổ chức “Ngày hội đọc sách”, các hoạt động tuyên truyền đọc sách, tổ chức gian hàng giới thiệu sách bán giá ưu đãi. Hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, quy mô tổ chức phù hợp với điều kiện thực tiễn từng nơi, giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Thư viện tỉnh còn duy trì phục vụ bạn đọc bằng thư viện lưu động đa phương tiện, mang những đầu sách hay, ý nghĩa và bổ ích đến cho bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện 30 chuyến phục vụ thư viện lưu động, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động mang sách về cơ sở, phục vụ hơn 28.000 bạn đọc các địa phương trong tỉnh.

Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, chia sẻ: Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tổ chức tại huyện Yên Châu đã tạo hiệu ứng tốt trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các em học sinh và bà con nhân dân về vai trò của sách và sự cần thiết của việc đọc sách. Thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về sách và văn hóa đọc, đưa sách tiếp cận với bạn đọc các thế hệ. Khuyến khích xây dựng tủ sách tại khu dân cư, phát huy hiệu quả hoạt động thư viện tại các trường học, thư viện huyện, cung cấp đầu sách phù hợp đối tượng, lứa tuổi. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lan tỏa văn hóa đọc phù hợp với từng địa bàn dân cư để qua đó, khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Các em học sinh huyện Yên Châu đọc sách tại thư viện lưu động

Tham gia các hoạt động sôi nổi của ngày hội sách tại huyện, em Hà Yến Nhi, học sinh lớp 7, Trường TH&THCS Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, hào hứng nói: Thông qua các hoạt động tại ngày hội, chúng em hiểu hơn về ý nghĩa và vai trò của sách, hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, nhất là với lứa tuổi học sinh cần tích cực học hỏi, tiếp nhận thông tin, kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Qua đây, em thấy mình cần phải chăm chỉ đọc sách hơn để biết thêm nhiều điều hay từ sách.

Với mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, không ít các mô hình hay, hoạt động hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó phải kể đến các mô hình, như: Tủ sách pháp luật, tủ sách cộng đồng, tủ sách gia đình/dòng họ, ngôi nhà trí tuệ… Phát động các chương trình ủng hộ, quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện, các trường học vùng sâu, vùng xa, biên giới xây dựng tủ sách, tạo dựng địa chỉ đọc sách, cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích cho cộng đồng. 

Thư viện lưu động phục vụ bạn đọc chiến sĩ

Bám sát chủ đề Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, các hoạt động tuyên truyền về sách đang được tổ chức sôi nổi tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tại các trường học. Đó là cách để thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống hiếu học, coi sách là người bạn đồng hành quan trọng để tiếp cận kho tri thức của nhân loại, lan tỏa văn hóa đọc đến mọi thế hệ bạn đọc.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới