Du lịch nông thôn Mường Và

So với các địa phương khác trong huyện, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp có tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để phát triển mô hình du lịch nông thôn. Huyện đã giúp xã Mường Và phát triển loại hình này, nhằm phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân.

Trung tâm bản Mường Và.

Đến Mường Và ấn tượng đầu tiên là Tháp Mường Và sừng sững trên một quả đồi nhân tạo tại trung tâm của bản Mường Và, bao quanh là những nếp nhà sàn của 438 hộ. Tháp Mường Và nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, là công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính được nhân dân bản Mường Và bảo vệ từ bao đời nay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1998. 

Điểm nhấn nữa là bản Mường Và thuộc vùng núi thấp của huyện Sốp Cộp, có độ cao trung bình từ 750 - 950m. Đằng sau bản là dãy núi “Pu Hong Lớk” chạy dài. Vùng đồi thấp của bản có thể canh tác cây ăn quả, cây nông nghiệp và chăn thả gia súc, gia cầm. Tài nguyên rừng khá phong phú, với độ che phủ khoảng 42%. Đây là nguồn cung cấp nông sản địa phương cho khách du lịch, đặc biệt là đặc sản gạo nếp tan Mường Và được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2019.

Ngoài ra, cánh đồng “Tông Na Coỏng Mương” và dòng suối Nậm Ca bao quanh bản, tạo hệ thống ao, hồ, đầm thích hợp với phát triển mô hình du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của nhân dân. Với những tiềm năng, lợi thế này phù hợp với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp và trải nghiệm làm nương rẫy, du lịch cắm trại nghỉ dưỡng... 

Tháp Mường Và.

Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lào ở bản Mường Và về cơ bản vẫn giữ được hai lễ hội Xên Mường và Khảu Hó. Có nhiều làn điệu dân ca, điệu múa dân gian, nhạc cụ dân tộc khá độc đáo, nhiều nghệ nhân còn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống được duy trì, phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong bản. Nghề đan lát các vật dụng sinh hoạt hằng ngày cơ bản vẫn còn người lưu truyền, có khả năng khôi phục bởi một số nghệ nhân trong bản.

Hiện nay, bản vẫn giữ được khoảng 90% số ngôi nhà sàn với kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Lào; văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị dân tộc Lào và dân tộc Thái Sơn La. Nơi đây, còn có tháp Mường Và được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Bà Tòng Thị Quyên, Trưởng Phòng Văn Hóa - Thông tin huyện, cho biết: Hằng năm, bản Mường Và duy trì 2 lễ hội lớn, là lễ Xên Mường diễn ra trong hai ngày trong tháng 3 hằng năm và lễ hội Khảu Hó - lễ mừng cơm mới của người dân tộc Lào diễn ra vào ngày rằm tháng 8 hằng năm. Bản lưu giữ nhiều làn điệu dân ca, nhiều điệu múa dân gian, nhiều nhạc cụ dân tộc khá độc đáo; nhiều nghệ nhân, diễn viên tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, bản Mường Và còn có tiềm năng phát triển thêm một số lễ hội khác, như: Lễ dâng hương đón Tết cổ truyền, ngày hội ra đồng cấy lúa (vào tháng 7) và ngày hội gặt lúa nếp Mường Và (tháng 11)... Tuy nhiên, để những lễ hội này có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch thì cần xây dựng kịch bản, lựa chọn thời gian cụ thể trong năm và các hoạt động truyền thông hiệu quả.

Mâm cỗ trong lễ hội Khảu Hó.
Nếp tan trên cánh đồng Tông Na Coỏng Mương.

Ở bản Mường Và còn có một số ngành nghề truyền thống không chỉ giúp nhân dân phát triển kinh tế mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chủ yếu trong bản vẫn còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm theo văn hóa truyền thống của dân tộc Lào. Một số sản phẩm đang được nhân dân sản xuất và bán khá tốt, như quần áo dân tộc Lào, túi, ví đựng đồ của phụ nữ, khăn piêu Lào... Nghề đan lát bàn, ghế mây tre, ếp khẩu, giỏ, gùi... 

Ngoài ra, khách du lịch còn được trải nghiệm các món ăn, đồ uống, cách chế biến và câu chuyện của từng món ăn. Về cơ bản, các đặc sản và văn hóa ẩm thực của người dân bản Mường Và có sự giao thoa giữa văn hóa dân tộc Lào và văn hóa dân tộc Thái, nhưng vẫn giữ được những hương vị đặc trưng.

Theo ông Lò Văn Thính, Trưởng bản Mường Và, số lượng khách đến thăm bản không nhiều, thỉnh thoảng có vài đoàn trong tuần, đi theo nhóm từ 7-12 người, ước tính khoảng 1.300 đến 1.500 lượt khách/năm, doanh thu về du lịch hầu như chưa có. Tháp Mường Và và nhà thờ dưới chân tháp là điểm du lịch chính của khách du lịch. Các hoạt động chính diễn ra chủ yếu là thắp hương, tham quan tháp. Điểm du lịch tham quan trải nghiệm tập trung ở một số mô hình nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm dân tộc Lào của gia đình bà Lường Thị Chiêng, Lò Thị Ựm; nghề đan lát của gia đình ông Vì Văn Ni.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Để phát triển mô hình du lịch nông thôn, đến thời điểm này, huyện đang tập trung xây dựng đề án, kế hoạch, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch phù hợp, nhằm phát huy tài nguyên du lịch, tiềm năng lợi thế của huyện. Đặc biệt, việc xây dựng mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, chuyên nghiệp, thu hút khách du lịch đến với Sốp Cộp, góp phần tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới