Độc đáo tiếng kèn lá của đồng bào dân tộc Mông

Kèn lá - loại nhạc cụ đơn sơ nhưng hết sức độc đáo của đồng bào người Mông được ví như tiếng hót của chim họa mi. Tiếng kèn lá cất lên để bày tỏ tâm sự, tình cảm của con người đối với thiên nhiên, giữa con người với con người và thổ lộ tình cảm của tình yêu đôi lứa…

Các gia đình ở bản Thẳm Hon, xã Tạ Bú truyền dạy con cháu thổi kèn lá.

Để tìm hiểu về nhạc cụ độc đáo này, chúng tôi ngược dòng sông Đà, đến bản Thẳm Hon, xã Tạ Bú, vừa đến đầu bản chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh “pí po” véo von, vui nhộn. Đón chúng tôi anh Sồng A Tếnh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Thẳm Hon, niềm nở nói: Thẳm Hon có 38 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông, âm thanh mà ta đang nghe thấy là tiếng kèn lá chị em trong bản đang tập để chuẩn bị giao lưu văn hóa, văn nghệ dịp 2/9 tới đây. Phụ nữ ở bản ai cũng biết thổi kèn lá, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và gắn bó với đời sống thường ngày của người Mông.  

Thấy nhóm phụ nữ đang sôi nổi tập luyện thổi kèn lá bên hiên nhà, khi hỏi đến ai cũng nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi lựa chọn lá và cách tạo ra những âm thanh “pí po” rồi thành những giai điệu theo bài hát… Chị Hờ Thị Dếnh, Chi hội trưởng phụ nữ bản Thẳm Hon, chia sẻ: Ngày bé theo mẹ lên nương, những lúc nghỉ ngơi tôi thấy mẹ hay thổi kèn lá để giao tiếp trò chuyện với những người ở xa và cũng nghe thấy tiếng kèn lá vọng lại. Rồi được mẹ dạy cho cách chọn lá, và tập thổi theo các bài hát, chỉ sau mấy buổi tập thổi là tôi đã biết thổi thành bài. Bây giờ tôi lại truyền lại cho con cháu và thế hệ trẻ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong bản dạy cho con em mình biết thổi kèn lá để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình.

Lá sử dụng làm kèn phải là lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa. 

Hướng dẫn tôi chọn lá và cách thổi, chị Dếnh cho biết thêm: Lá sử dụng làm kèn phải là lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa, lá mỏng, trơn, không có lông, như lá của các loại cây: Nhãn, xoài,  lá ổi, lá họ dong rừng, lá chuối… vì các loại là này chịu được lực của hơi, có độ dai không dễ bị rách. Khi thổi kèn lá thì dùng tay giữ hai đầu lá và ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, cuộn nhẹ mép lá vừa với môi trên và môi dưới của người thổi, cùng với đó, kết hợp dùng lưỡi đẩy hơi qua kẽ hở của môi vào khe lá sẽ tạo ra âm thanh cao vút.

Đặt chiếc lá lên môi, chị Dếnh và các chị em trong đội văn nghệ nhẹ nhàng cất lên nhạc điệu vui tươi, lảnh lót của bài hát “Người Mông ơn Đảng”. Sự đơn giản, độc đáo của loại nhạc cụ thiên nhiên này tạo nên nét độc đáo riêng có của người dân tộc Mông, khiến cho người nghe rất thích thú, say xưa. Vào các dịp lễ như cưới hỏi, như mừng lúa mới, mừng nhà mới, ngày tết… tiếng kèn lá lảnh lót vút lên như một bản hòa âm phối khí của con người với núi rừng, bày tỏ nỗi lòng của con người trước thiên nhiên, trước cuộc sống…

Chị Dếnh hướng dẫn các em bé trong bản thổi kèn lá.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại có nhiều nhạc cụ điện tử, các bài nhạc hiện đại sôi động, nhưng đồng bào dân tộc Mông ở bản Thẳm Hon vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát huy nhạc cụ kèn lá cùng với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông sống mãi với thời gian. 

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới