Khẩn trương khống chế dịch bệnh lở mồm long móng ở xã Bản Lầm

Từ ngày 10/3 phát hiện gia súc trâu bò của 1 hộ gia đình bị nhiễm bệnh lở mồm long móng, tính đến ngày 28/3, tại bản Pùa, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, có 50 con bò của 18 hộ dân bị nhiễm bệnh lở mồm long móng, đã tiêu hủy 5 con, trọng lượng hơn 900 kg. Huyện Thuận Châu đang tập trung khống chế dịch bệnh khẩn trương, không để lây ra diện rộng.

Nông dân bản Pùa, xã Bản Lầm phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi.

Ngày 10/3, khi phát hiện đàn gia súc của 1 hộ dân trong bản có dấu hiệu bị bệnh, ông Lường Văn Định, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pùa, đã thông báo cho xã và cử cán bộ về nắm tình hình. Cán bộ thú y xã thông báo với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về các dấu hiệu của vật nuôi mắc bệnh. Cán bộ Trung tâm lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm.

Ông Lò Văn Bỉnh, Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, thông tin: Tránh việc dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên địa bàn, UBND xã thành lập tổ phòng, chống dịch bệnh; phân công các thành viên nắm bắt tình hình, vận động nhân dân không buôn bán, vận chuyển và thả rông gia súc; tổ chức cách ly điều trị gia súc bị bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và cắm các biển thông báo tại ngã ba, ngã tư vào các bản để nhân dân nắm được.

Sau khi có kết quả dương tính với dịch bệnh, ngày 26/3, UBND huyện đã ban hành quyết định công bố dịch lở mồm long móng ở trâu bò tại xã Bản Lầm. Ông Lường Thanh Tuyển, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Huyện đã cấp 36 lít hóa chất, vôi bột cho các hộ dân khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu hủy bò mắc bệnh đúng quy định. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn ký cam kết thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc; không giết mổ, tiêu thụ gia súc chết; không vứt gia súc chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho gia súc ăn). 

Biển thông báo dịch được cắm ở các ngã ba, ngã tư vào các bản.

Hiện nay, xã Bản Lầm có hơn 800 con trâu, bò; trên 2.000 con lợn, 600 con dê. Theo ông Lò Văn Bỉnh, Chủ tịch UBND xã, ổ dịch  lở mồm long móng xuất hiện đầu tiên trên đàn bò của gia đình ông Lò Văn Thiết, bản Pùa. Ngày 10/3, có 4 con bò của gia đình ông Thiết có dấu hiệu ăn kém, nước dãi chảy, nghi ngờ vật nuôi mắc bệnh, ông Thiết đã báo cho trưởng bản để báo cáo lên xã và huyện. Cơ quan chuyên môn của huyện đã về kiểm tra và thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch; lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Ông Lò Văn Thiết cho biết: Được cán bộ thú y xã hướng dẫn, tôi đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột, cách ly gia súc và tiến hành điều trị. Đồng thời, không thả gia súc ra ngoài để tránh lây lan sang các hộ chăn nuôi khác. Tuy nhiên, vẫn có 1 con bò bị chết.

Biết tin trên địa bàn có bò bị mắc bệnh lở mồm long móng, gia đình ông Quàng Văn Cu, bản Pùa, đã kiểm tra đàn vật nuôi của gia đình. Phòng bệnh lây nhiễm, gia đình chủ động tiêm phòng, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng. Đồng thời, lấy nước măng chua rửa chân và lá cây rừng đun lên cho bò uống. Tuy nhiên, sáng ngày 18/4 có 1 con bò bị chết. 3 ngày sau, 2 con bò còn lại cũng bị chết. Ông Cu nói: Đầu tháng 3, đã có người hỏi mua con bò với giá 16,5 triệu đồng. Số tiền trên gia đình dự định mua sắm thêm đồ dùng sinh hoạt. Nhưng cả 3 con bò của gia đình bị bệnh và chết. Gia đình mong nhận được sự hỗ trợ của nhà nước.

Nông dân  bản Pùa, rắc vôi khử trùng khu vực chăn nuôi.

Còn gia đình bà Lò Thị Long, những ngày này thường xuyên rắc bột, dọn chuồng trại và phun thuốc khử trùng. Đặc biệt, gia đình bà không chăn thả vật nuôi, cho ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, uống nước ấm, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên nay, 4 con bò của gia đình khoẻ mạnh. 

Khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người dân, xã Bản Lầm đang tập trung chỉ đạo thống kê, rà soát tổng đàn để tiêm phòng triệt để. Đối với những con bò đang nhiễm bệnh, chỉ đạo cán bộ thú y hướng dẫn: Cách ly, chữa mụn loét bằng rửa nước ấm, bôi thuốc và tiêm kháng viêm, giảm đau. Đảm bảo giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ, lót chuồng dày cho gia súc nằm, cho ăn cỏ tươi, cỏ mềm; bổ sung Vitamin, điện giải cho gia súc khi bị bệnh nặng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển các sản phẩm từ trâu bò; khuyến cáo người dân không giấu vật nuôi bị bệnh, chấp hành nghiêm pháp lệnh thú y, quyết tâm không để dịch lây lan.

Trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.

Đến nay, bệnh lở mồm long móng chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ có thuốc chữa triệu chứng. Tránh tình trạng dịch bệnh lây lan, huyện Thuận Châu chỉ đạo các xã, thị trấn chưa có dịch tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, quản lý về giống vật nuôi, hành nghề, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. Khẩn trương triển khai đợt vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, điểm giết mổ, các chợ buôn bán sản phẩm gia súc, vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao nhằm hạn chế sự phát tán, phơi nhiễm mầm bệnh.

Đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất cao, vì vậy ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đàn vật nuôi phát triển.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới