Chăm sóc, bảo vệ diện tích chè trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài

Vào thời điểm này năm trước, nhân dân các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Phổng Lập, Mường É, huyện Thuận Châu đang vào vụ thu hoạch chè xuân. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài nên lứa chè xuân phát triển chậm, năng suất chè khá thấp. Trước thực tế đó, huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp giúp bà con chăm sóc diện tích chè, đảm bảo các lứa chè tiếp theo đạt năng suất và chất lượng.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu kiểm tra diện tích chè tại xã Phổng Lái.

Hiện nay, huyện Thuận Châu có 1.832 ha chè, chủ yếu là chè Kim Tuyên, chè Shan, chè lai LDP1... bình quân mỗi năm sản lượng chè đạt hơn 11.000 tấn. Huyện có 4 công ty, HTX chuyên liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chè. Chủ động phòng, chống khô hạn, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã vùng chè triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng và khô hạn kéo dài.

Ông Đinh Công Thủy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với các xã tập trung tuyên truyền nhân dân chủ động tích nước, tận dụng các nguồn nước tự nhiên để bơm, tưới cho cây trồng vào chiều mát hoặc sáng sớm, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây chè nhằm hạn chế thấp nhất việc thất thoát nước. Giữ ẩm cho gốc chè bằng cách tận dụng cây chè đã đốn tỉa hoặc phát cỏ ở độ cao vừa phải. Sử dụng phân bón hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và tăng sức đề kháng cho cây chè. Không trồng diện tích chè mới trong những ngày nắng nóng kéo dài.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhân dân chăm sóc diện tích chè sau khi thu hoạch lứa chè xuân. Tăng cường thăm đồng, điều tra, dự báo các sinh vật gây hại trên cây chè để thông tin kịp thời cho các xã triển khai các biện pháp phun phòng trừ sâu bệnh hại, như: Rầy xanh, bọ trĩ, bọ xít muỗi, nhện đỏ, phồng lá. Hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, không sử dụng thuốc trừ cỏ và các loại thuốc nằm ngoài danh mục thuốc sử dụng trên cây chè.

Mọi năm vào vụ chè xuân, gia đình chị Lê Hồng Thúy, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái thu được hơn 6 tạ búp chè tươi/ha. Năm nay, do ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn, gia đình chỉ thu được gần 2 tạ/ha. Chị Thúy cho biết: Sau khi thu hoạch vụ chè xuân, gia đình tôi thực hiện cắt dọn những búp chè non và lá bị cháy táp; bón phân hữu cơ kết hợp cầy xới dưới gốc, ủ gốc bằng cành chè sau khi đốn để tăng khả năng giữ ẩm, đảm bảo cho lứa chè sau phát triển tốt.

Tại vùng chè bản Sai Chiên, xã Chiềng Pha, diện tích chè ở đây xanh tốt hơn so với chè ở xã Phổng Lái. Ông Lường Văn Út, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sai Chiên, cho biết: Bản có 14 ha chè Shan tuyết và Kim tuyên, sản lượng đạt 65 tấn chè/năm. Từ tháng 12, sau khi thu hoạch lứa chè cuối vụ, bà con đã đốn tỉa và chăm sóc. Thời tiết khô hạn, nhưng nhờ có hệ thống tưới ẩm từ hồ Lái Bay với 40 van nước, nên vào thứ 3 và thứ 7 hằng tuần, bà con có nước tưới cho diện tích chè, nên đã hạn chế được một phần tình trạng khô hạn.

Trước thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ diện tích chè bị hạn tiếp tục gia tăng và gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè, huyện Thuận Châu đã và đang tích cực chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi để có biện pháp hỗ trợ tưới tiêu kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, đầu tư các hệ thống giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới; trồng xen cây trồng khác để tăng cường che bóng mát cho diện tích chè, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới