Xây dựng các sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương

Theo đánh giá, Sơn La có gần 200 sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 83 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương được chứng nhận OCOP, đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao trở lên.

Sản phẩm cà phê Arabica của Công ty TNHH cà phê Sơn La được trưng bày tại điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19).

Ảnh: PV

           

Vùng hồ thủy điện Sơn La mang lại nguồn thủy sản rất phong phú; trong đó, cá tép dầu là sản phẩm được người dân khai thác, đánh bắt với số lượng lớn, chế biến khô. Năm 2017, HTX Thái Tuấn (Quỳnh Nhai) đã thành lập và cử thành viên tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh có thế mạnh về ngành chế biến thủy sản, như: Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng... để áp dụng vào sản xuất. Cuối năm 2019, năm đầu tiên Sơn La triển khai Chương trình OCOP, sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà được đánh giá đạt 4 sao.

           

Chia sẻ với chúng tôi, bà Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn, cho biết: Từ khi sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà của HTX được “gắn sao” đến nay đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưu tiên sử dụng. Cơ quan chức năng hỗ trợ HTX đưa sản phẩm vào bán và trưng bày tại gian hàng OCOP của huyện, quầy hàng giới thiệu nông sản an toàn xuất khẩu, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tại Nhà khách Sơn La tại Hà Nội. Hiện nay, sản phẩm đã được đóng gói hoàn chỉnh, có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Qua đó, đã có nhiều cửa hàng bán lẻ và cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị đã đến đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ.

           

Sản phẩm nấm linh chi của Công ty TNHH Mạnh Thắng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020.

           

Tại Hội nghị đánh giá xếp loại sản phẩm OCOP năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn tre Sơn La có 3 sản phẩm: Ống hút tre, cốc tre và bộ dao thìa dĩa tre Gia Phát được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao và nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng trên cả nước. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc, cho biết: Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất với 7 nhà xưởng ở Thành phố và huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, công suất hàng chục nghìn ống mỗi xưởng. Hiện nay, Công ty đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của Công ty hiện nay được xuất sang Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc. Hiện, Công ty đã có 70 đại lý tại nhiều tỉnh, thành và chiếm lĩnh khoảng 60% thị phần trong nước. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung cấp ra thị trường hàng chục triệu ống hút tre, cốc tre và bộ dao dĩa các loại.

           

Qua khảo sát đánh giá sơ bộ các chủ thể có sản phẩm OCOP, doanh số sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi, như: HTX 19/5, HTX Quyết Thanh (Mộc Châu), HTX chè Phổng Lái (Thuận Châu); tổ hợp tác tỏi đen Phù Yên..; nhiều thương hiệu sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như: Cà phê Bích Thao, mật ong Hồ Sâm và chè Tà Xùa, chè Trọng Nguyên...

           

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tỉnh; phát huy tính sáng tạo của nông dân, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cán bộ, nhân dân, đặc biệt là các HTX có ý thức trong việc đăng ký xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX những phần việc còn yếu để có thêm nhiều sản phẩm OCOP

           

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, có thêm từ 2-3 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; 100-300 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Có 3-5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới