Phát huy truyền thống vẻ vang, khẳng định vai trò lãnh đạo - nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng tại Sơn La (*)

Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng; tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng xanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp (theo giá so sánh) năm 2004 đạt 125 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.272 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh bình quân giai đoạn 2004 - 2020 đạt 27,63%/năm. (Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân từng giai đoạn như sau: Giai đoạn 2004-2005 đạt 47,1%; giai đoạn 2006-2010 đạt 37,57%; giai đoạn 2016-2020 đạt 3,76%). Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,6% (năm 2004) lên 21,36% (năm 2020).

                                       

Ca sản xuất tại Chi nhánh Tổng công ty Gas petrolimex - Công ty cổ phần tại Sơn La, thuộc Khu công nghiệp Mai Sơn.

Ảnh: Phạm Đức

             

Cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự dịch chuyển tích cực theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm; cơ cấu lại ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến , (Ngành công nghiệp chế biến có sự gia tăng khá nhanh về quy mô, số lượng. Đến năm 2020, tỉnh tiếp tục duy trì ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến hiện có: trên 20 cơ sở chế biến chè (sản lượng 9,5 tấn/năm); 01 nhà máy đường (sản lượng trung bình 60.000 tấn/năm); nhà máy chế biến sữa (chế biến sữa tươi tiệt trùng 100 tấn/ngày, sản xuất sữa chua công suất 30 tấn/ngày); nhà máy chế biến tinh bột sắn (60.000 tấn/năm); 07 cơ sở sản xuất cà phê nhân; nhà máy dâu tằm tơ (12 tấn tơ/năm); các cơ sở sản xuất rượu vang, chế biến hoa quả, chế biến thủy sản và thu hút đầu tư thêm nhiều nhà máy như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty CP chế biến nông sản BHL (công suất 300 tấn tinh bột/ngày); Nhà máy chanh leo, rau củ quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc tại Mộc Châu; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Công ty CP chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH (công suất 18.000-20.000 chai/giờ); Nhà máy chế biến bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH IC Food Sơn La tại Vân Hồ (công suất 1.800 tấn rau tươi/năm); Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty CP cao su Sơn La tại huyện Thuận Châu (công suất 9.000 tấn/năm); các cơ sở chế biến cà phê gắn với vùng nguyên liệu (HTX cà phê Bích Thao, Cà phê Phúc Sinh, cà phê Minh Châu...); Nhà máy chế biến tinh dầu sả và tinh dầu quế của HTX Phú Sơn tại huyện Mường La; Nhà máy chế biến của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao...); giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; giữ vững ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tỉnh và hòa lưới điện quốc gia (Đến năm 2020, duy trì hoạt động sản xuất ổn định của 3 nhà máy thủy điện lớn với tổng công suất là 3.140 MW và 49 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với công suất lắp máy đạt trên 542,9 MW, tổng sản lượng mỗi năm đạt trên 12.000 triệu kWh).

             

Sản xuất nông, lâm nghiệp có sự chuyển dịch quan trọng từ thuần nông, quảng canh, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, như các sản phẩm từ sữa, chè, cà phê, nhãn, xoài.... Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích hợp lý, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường; đã hình thành một số mô hình hiệu quả như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha tập trung tại một các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 7.619 ha tập trung chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn và Yên Châu; vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000 ha tập trung chủ yếu các huyện: Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.535 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu; vùng nguyên liệu cà phê khoảng 17.687 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La; vùng nguyên liệu cao su 5.879 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn; vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra khoảng 78.850 ha, tập trung ở một số huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Mường La... Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 196 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 21 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; có 614 hợp tác xã, 06 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.

             

Chăn nuôi được quan tâm phát triển toàn diện cả về quy mô và cơ cấu, từng bước chuyển hướng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng quy mô hàng hóa trong cơ cấu phát triển. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình. (Năm 2020, tổng đàn trâu 124.338 con; đàn bò thịt: 331.796 con; đàn bò sữa: 26.156 con; đàn lợn: 619.416 con; đàn ngựa: 6.527 con; đàn dê: 162.770 con; đàn gia cầm các loại: 7.121 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 74.814 tấn. So với năm 2004 đàn trâu giảm 10,9%; đàn bò tăng 213,7%; đàn lợn tăng 36,8%; đàn ngựa giảm 65,1%; đàn dê tăng 141,4%; đàn gia cầm các loại tăng 124,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 342,9%). Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 2.767 ha, số lồng nuôi: 8.758 lồng, sản lượng thủy sản: 8.335 tấn; so với năm 2004 diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 84,7%; sản lượng thủy sản tăng 242,6%.

             

Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên. Khuyến khích trồng các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và định hướng phát triển của các huyện, thành phố; đẩy mạnh phát triển mô hình nông lâm kết hợp gắn với khai thác rừng bền vững và thực hiện các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp.             

(Còn nữa)

             

Nguồn: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

             

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới