Tăng cường các biện pháp phòng trừ dịch hại

Vụ xuân năm nay, nông dân toàn tỉnh gieo trồng hơn 107.000 ha cây trồng các loại. Thời điểm này, đang xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại cây trồng. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Giọng nữ
Cán bộ ngành Nông nghiệp kiểm tra sâu bệnh hại trên cây xoài.

Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân lựa chọn các loại giống cây trồng kháng sâu bệnh; trồng đúng thời vụ; thường xuyên thăm đồng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh và chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi; xây dựng các mô hình, hướng dẫn nông dân về các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách)... giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tổng hợp tình hình sinh vật hại trên các loại cây trồng chính định kỳ 7 ngày.

Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, qua điều tra, khảo sát, phát hiện 570 lượt ha cây trồng bị nhiễm sinh vật hại. Cụ thể, bệnh thán thư, bệnh gỉ sắt, rệp, su đục thân gây hại 145 ha cà phê; phát hiện 60 ha cây nhãn bị sâu đo, bọ xít nâu, bệnh thán thư hát sinh gây hại; 50,6 ha cây xoài bị nhiễm bệnh phấn trắng, thán thư; ốc bươu vàng gây hại 38 ha cây lúa; sâu bướm trắng, sâu tơ gây hại 15,8 ha cây rau...

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, thực hành nông nghiệp tốt, theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong trường hợp đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh. Đối với cây lúa, kiểm tra, rà soát vùng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, khoanh vùng, phun phòng, trừ; với diện tích ruộng bị nặng có thể phun kép lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Với các loại cây ăn quả, thường xuyên cắt tỉa cành già cỗi, cành bị sâu bệnh, tạo thông thoáng vườn cây, tăng khả năng quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại; quét vôi vào gốc và các vết cắt, hạn chế nơi cư trú của sâu hại và nấm bệnh; ưu tiên ứng dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch hại.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn: Định kỳ hằng tuần, chúng tôi xuống cơ sở, nắm bắt, thông báo tình hình sâu, bệnh; hướng dẫn nhân dân, HTX biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với từng loại cây trồng. Đối với vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, tập trung hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh nằm trong danh mục cho phép, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Với các loại cây ăn quả, sau khi đậu quả non, phải tỉa bỏ những quả nhỏ chất lượng kém, thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời, đảm bảo quả có mẫu mã đẹp, chất lượng cao.

Sau nhiều năm chuyển hướng sang trồng các loại cây ăn quả, ông Nguyễn Ngọc Dũng, bản Nong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, nắm khá rõ chu kỳ phát sinh của các loại sâu, bệnh gây hại cây xoài, bưởi, nhãn. Ông Dũng cho biết: Đối với các cây bị bệnh, tôi đã thu gom các cành, lá bị sâu bệnh đem tiêu hủy, đồng thời, sử dụng các loại thuốc sinh học theo nguyên tắc “4 đúng” để phun cho cây ăn quả.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng toàn vụ, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo nhân dân theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng để phòng trừ; tập trung bón bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Các địa phương tăng cường kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh và khuyến cáo các biện pháp phòng trừ dịch hại; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học có độ độc cao. Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó, có biện pháp phòng trừ hiệu quả...

Phúc An
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới