Tín dụng - chính sách giúp phụ nữ thoát nghèo

Hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Tú Nang (Yên Châu) luôn bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác và triển khai các chương trình tín dụng đến hội viên nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

                               

Hội viên phụ nữ xã Tú Nang (Yên Châu) phát triển mô hình kinh tế từ vốn vay ưu đãi.

           

Chị Ngô Thị Ngọc, bản Trung Tâm, xã Tú Nang chia sẻ: Năm 2015, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng, tôi đã cải tạo lại đất, trồng hơn 1 ha bưởi diễn, táo, mít Thái, nhãn… Để cây sinh trưởng phát triển tốt, tôi chỉ sử dụng phân vi sinh và các chế phẩm sinh học, nên sản phẩm đảm bảo chất lượng và bán với giá ổn định. Từ mô hình trồng trọt mang lại nguồn thu nhập khá, gia đình tôi có vốn đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn thịt, đào ao thả cá, mở rộng kinh doanh thêm hàng tạp hóa và sửa chữa xe máy, tổng thu mỗi năm trên 400 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo.

           

Không chỉ gia đình chị Ngô Thị Ngọc, mà nhiều gia đình hội viên phụ nữ khác trên địa bàn xã, như các chị: Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Nhàn, Nguyễn Thị Luyến, Phan Thị Hải… từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã nhân rộng các mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả. Chị Trần Thị Chỉ, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bản Trung Tâm, cho biết: Tổ đang quản lý 38 sổ vay vốn, với dư nợ trên 2 tỷ đồng. Hầu hết các hồ sơ giải ngân theo chương trình tín dụng dành cho hộ sản xuất kinh doanh, hộ thoát nghèo. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống khá giả, hiện cả bản không còn hộ nghèo.

           

Hội Phụ nữ xã Tú Nang hiện đang quản lý 12 tổ TK&VV, với dư nợ ủy thác trên 26 tỷ đồng, giúp 515 hộ hội viên vay phát triển kinh tế gia đình theo 10 chương trình tín dụng. Trong đó, dư nợ vốn vay lớn nhất là chương trình hộ nghèo gần 9 tỷ đồng, vốn sản xuất, kinh doanh trên 7,4 tỷ đồng, hộ cận nghèo 1,6 tỷ đồng... Hội đã lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi hội về đối tượng thụ hưởng vốn, mục đích sử dụng vốn, thời hạn vay, trách nhiệm trả nợ, chương trình cho vay mới... Đồng thời, làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, rà soát các tổ TK&VV thực hiện bình xét, xét duyệt cho vay công khai, sát đối tượng, mức vay và thời hạn vay phù hợp với từng chương trình, dự án sản xuất kinh doanh của hộ vay. Phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, không để đọng vốn, đôn đốc thu lãi, thông báo sớm nợ đến hạn cho hộ vay để làm hồ sơ quay vòng vốn cho các gia đình hội viên khác.

           

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã đã chỉ đạo các chi hội tạo điều kiện cho hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho hội viên. Từ năm 2016 đến nay, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý vốn ủy thác cho trên 60 lượt Tổ trưởng tổ TK&VV.

           

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn vốn, việc sử dụng vốn vay tại các tổ TK&VV, bảo đảm các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả vốn đúng kỳ hạn, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Từ việc triển khai và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, đời sống của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Tú Nang từng bước được nâng cao. Mỗi năm, Hội Phụ nữ xã đã giúp 1-2 hộ do phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo.

           

Với mục tiêu quản lý và phát huy hiệu quả của nguồn vốn ủy thác, Hội Phụ nữ xã Tú Nang tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và quy định của ngân hàng về vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi; phát huy hiệu quả vốn vay, giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống, tự tin tham gia các hoạt động và  gắn bó với tổ chức hội.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới